Friday, December 20, 2013

Offline


Bạn đọc blog thân mến, cuối tháng này tôi sẽ về VN thăm nhà và dự định tổ chức một cuộc gặp mặt offline. Khác với lần trước, lần này sẽ hoàn toàn informal, tôi không có thuyết trình hay phát biểu gì cả mà sẽ chủ yếu gặp mặt làm quen và nghe các bạn nói. Kế hoạch tạm thời là Chủ nhật 29/12 trong khoảng từ 2PM đến 5PM tại quán cafe Đông Hồ (199 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TPHCM - gần Hồ Kỳ Hòa), nếu có gì thay đổi tôi sẽ thông báo lại trên blog. Mời tất cả các bạn mới/cũ, quen/chưa quen đến gặp mặt, hi vọng sẽ có một buổi nói chuyện thú vị với các bạn.

PS. Nếu bạn có thể confirm hãy để lại comment ở đây hay email cho tôi để tôi có thể áng chừng số người tham dự, nếu không confirm được cũng không sao.


Update: Cám ơn các bạn đã đến tham gia buổi offline, tôi rất impressed về sự nhiệt tình của các bạn. Có thể nói cuộc gặp mặt đã "không thành công" như tôi mong đợi vì tôi nói quá nhiều chứ không phải các bạn như dự định ban đầu, nhưng quả thật nhiều câu hỏi rất hóc búa mà tôi nhìn thấy trong đó tinh thần "Stay hungry, Stay foolish" của Steve Jobs. Không phải "kể lể" gì nhưng nói thật maintain một blog không có tính giải trí như kinhtetaichinh đòi hỏi khá nhiều mồ hôi. Nhìn gương mặt và tinh thần học hỏi của các bạn trong buổi offline hôm qua giúp tôi thêm nhiệt huyết trên con đường của một blogger trong những ngày tháng tới. Cám ơn và hẹn gặp lại.

PS. Đợt này vì thời gian nghỉ phép khá ngắn và có nhiều family commitment nên tôi không thu xếp ra HN được. Tôi không dám hứa nhưng trong tương lai tôi rất mong có một buổi offline tương tự với các bạn ở HN.



Wednesday, December 18, 2013

Official statistics


Mấy tuần trước nhà báo Nguyễn Vạn Phú viết một số bài báo và blog về sự thay đổi số liệu GDP của VN năm 2012. Vấn đề trở nên nóng hơn khi một đại biểu HĐND TPHCM chất vấn về sự thay đổi đột ngột của chỉ số GDP đầu người của địa phương này. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đăng đàn trần tình về việc TCTK bị phê phán về chất lượng số liệu. Với tựa đề bài viết "Cần trách nhiệm hơn khi đánh giá số liệu thống kê" có lẽ không chỉ trần tình mà ông Tổng cục trưởng còn trách cứ những người phê phán đã không có trách nhiệm.

Công bằng mà nói số liệu thống kê kinh tế bị phê phán không chỉ ở VN. Ngay cả ở Mỹ, nơi có hệ thống thống kê tốt nhất thế giới, cũng không tránh khỏi những phê phán/nghi kỵ của người dân và giới nghiên cứu về chất lượng các chỉ tiêu kinh tế. Nổi tiếng nhất trong số những người nghi ngờ số liệu thống kê của Mỹ phải kể đến John Williams, hàng chục năm qua đã không ngừng công kích số liệu CPI và unemployment rate của nước này. Williams còn lập ra một website tính lại những chỉ số kinh tế phổ thông để đối trọng lại các con số chính thức do các cơ quan thống kê công bố. Một ví dụ đình đám khác là vụ George Welch, cựu CEO của GM, chỉ trích số liệu việc làm của Mỹ trong mùa tranh cử tổng thống năm ngoái. Ông này ám chỉ chính phủ Obama đã nâng số liệu việc làm lên để tranh thủ lấy phiếu cử tri. Giới thống kê và học giả Mỹ đã đăng đàn phản bác những nghi ngờ và cáo buộc của cả Williams lẫn Welch, tương tự như bài của ông Nguyễn Bích Lâm.

Nói vậy để thấy việc "phản biện" và "chống phản biện" số liệu thống kê là khá bình thường. Nhưng hỏi 10 nhà nghiên cứu kinh tế chắc phải có 9 người tỏ ý nghi ngờ về độ chính xác của số liệu thống kê của VN. Tôi nằm trong số 9 người đó và đã không dưới một lần nêu ra sự nghi ngờ của mình trên blog này, thậm chí đã từng viết một entry riêng về chất lượng số liệu thống kê của TCTK. Bởi vậy, là đối tượng mà ông Nguyễn Bích Lâm phê phán (thiếu trách nhiệm), tôi không thể không có vài dòng phản-phản biện lại ông Tổng cục trưởng. Nhân tiện tôi sẽ giới thiệu thêm với các bạn một số qui tắc/thông lệ liên quan đến việc thu thập và phổ biến số liệu thống kê kinh tế của một số nước mà tôi được biết. Xin lưu ý trước, những gì tôi viết dưới đây là dưới góc độ của người sử dụng thống kê kinh tế chứ không phải người thu thập và xử lý số liệu. Giá mà bác Vũ Quang Việt hoặc Bùi Trinh viết cho một bài về khía cạnh thu thập số liệu thì tuyệt.

Trước hết cần phải xác định rõ thế nào là chất lượng của số liệu thống kê (kinh tế), ông Nguyễn Bích Lâm chỉ nói về ba yếu tố ảnh hưởng lên chất lượng số liệu (sẽ bàn thêm bên dưới) chứ không đưa ra định nghĩa về chất lượng. Có bạn sẽ nghĩ ngay chất lượng ở đây là độ chính xác chứ có gì mà phải bàn. Tất nhiên chính xác là tiêu chuẩn  quan trọng nhất đối với số liệu thống kê. Nhưng bên cạnh đó một hệ thống thống kê "có chất lượng" còn phải bảo đảm các yếu tố coverage, timely, consistency, và transparency.

Coverage (bao quát?): một hệ thống thống kê có chất lượng phải đảm bảo cung cấp đủ những chỉ số quan trọng của một nền kinh tế. Tất nhiên "đủ" là một khái niệm khôn cùng và subjective, vd nếu tôi quan tâm đến lĩnh vực tài chính tôi sẽ muốn có hàng nghìn chỉ tiêu liên quan đến hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán..., ngược lại nếu bạn nghiên cứu về lao động thì bạn muốn có nhiều số liệu về việc làm, lương bổng... Một vấn đề nữa là chi phí, những nước giàu có ngân sách lớn cho cơ quan thống kê quốc gia hiển nhiên sẽ có coverage tốt hơn các nước nghèo, bởi vậy "đủ" còn có nghĩa sử dụng budget cho thống kê một cách hợp lý. Cách đây 5-6 năm Niên giám thống kê của VN còn thu thập số liệu số quạt máy, phích nước được sản xuất hàng năm, số máy công nông được lắp ráp, thậm chí số huy chương Seagames, số lễ hội/festival tổ chức ở các tỉnh thành, trong khi không có số liệu về thất nghiệp (không biết bây giờ đã thay đổi chưa). Coverage như vậy là không "đủ" và số liệu thống kê của VN không thể nói là có chất lượng về mặt này.

Có thể thấy mong muốn coverage "đủ" là khó, nhưng chí ít phải có một mức tối thiểu nào đó. Ở hầu hết các nước, số liệu thống kê kinh tế phải đảm bảo coverage cho hệ thống tài khoản quốc gia (theo chuẩn SNA của LHQ), thống kê tài chính (theo chuẩn của IMF), thống kê về giá cả (CPI/PPI, house price...), thống kê việc làm, thống kê xuất nhập khẩu, và thống kê ngân sách/chi tiêu chính phủ. Ngoại trừ thống kê việc làm, coverage của VN đã đủ cho các lĩnh vực còn lại mặc dù đi vào chi tiết có thể chưa hoàn chỉnh. Đon cử là thống kê tài chính theo yêu cầu của IMF (cho hệ thống cảnh báo rủi ro sớm của họ) VN còn thiếu khá nhiều và tần suất cung cấp số liệu cũng không đạt yêu cầu (nói cho chính xác thì đây là trách nhiệm của NHNN chứ không phải TCTK, nhưng tôi tạm gộp các cơ quan có trách nhiệm thu thập số liệu kinh tế vào làm một).

Một điều khá thú vị liên quan đến coverage là hầu hết các nước đều đã "xã hội hóa" một phần việc thu thập số liệu (kinh tế) để mở rộng coverage mà không phải tốn thêm ngân sách. Thông tin kinh tế luôn là một mặt hàng bán chạy nên các công ty tư nhân có động cơ tiến hành thu thập và bán số liệu này. Trong một số trường hợp số liệu thống kê tư nhân còn "cạnh tranh" với số liệu chính thức của nhà nước, vd ShadowStats của John Williams tôi link bên trên hoặc Billion Price Project của MIT (bây giờ đã bán cho State Street). Vấn đề là các cơ quan thống kê quốc gia (và cả cơ quan an ninh) nên "thoáng" hơn với các tổ chức tư nhân tham gia vào hoạt động thu thập số liệu. Nên tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán thông tin để giúp tăng coverage cho nền kinh tế.


Timely (thuật ngữ này có thể dịch là kịp thời nhưng nó còn bao hàm một số ý rộng hơn): giới tài chính có một thuật ngữ là real-time data, nghĩa là số liệu có ngay tức thì khi hoạt động kinh tế tương đương kết thúc hoặc thậm chí đang diễn ra, vd chỉ số chứng khoán được cập nhật ngay lập tức trên màn hình cá nhân song song với trên sàn giao dịch. Tất nhiên số liệu kinh tế vĩ mô không thể và không cần phải cập nhật nhanh như vậy. Không thể vì rất nhiều số liệu thống kê phải khảo sát và thu thập trên toàn quốc, rồi phải xử lý thô trước khi công bố. Không cần vì như đã đề cập đến trước đây, nền kinh tế là một cỗ máy khá nặng nề có quán tính lớn nên hai thời khắc gần nhau quá không đem lại nhiều thông tin có ích. Vấn đề timely của số liệu thống kê cũng phụ thuộc vào budget/chi phí thu thập số liệu và độ chính xác, càng nhanh càng tốn kém và càng ít chính xác.

Thông thường số liệu SNA được thu thập và công bố theo quí, các thể loại số liệu khác theo tháng. Số liệu thống kê của VN có một điểm rất khác biệt so với các nước. Số liệu quí (vd GDP) thường được công bố vài ngày trước khi quí kết thúc, số liệu tháng (vd CPI) cũng được công bố trước khi tháng kết thúc. Điều này tưởng chừng cho thấy tính timely của số liệu VN cực cao, nhưng thực tế nó chứng tỏ cơ quan thống kê của VN đã không sử dụng hết thông tin của chu kỳ thống kê cho mỗi chuỗi số liệu. Tất nhiên sau đó cơ quan thống kê sẽ tiếp tục hiệu chính các chỉ số thống kê khi có thêm thông tin như thông lệ quốc tế. Nhưng điều khác biệt giữa VN và thế giới là thời điểm của các hiệu chỉnh đó không được công bố rộng rãi và các chuỗi số liệu cũ không được lưu giữ.

Lấy ví dụ số liệu GDP của các nước thường được công bố ít nhất 3 lần: preliminary release, first revision, và second revision. Preliminary release thường được công bố 1-2 tháng sau ngày cuối cùng của quí, first revision thường trước khi quí tiếp theo kết thúc, second revision sau đó 1-2 tháng. Hầu hết những ngày công bố số liệu đều được báo trước rộng rãi và số liệu chính sửa ra sao sẽ được nêu ra cụ thể. Thường thì cơ quan thống kê không có nghĩa vụ (theo luật) phải giải thích tại sao số liệu lại thay đổi như vậy nhưng trên thực tế họ vẫn nêu ra/gợi ý những lý do khách quan (vd government shutdown, thiên tai, đình công...) để báo giới và những người sử dụng thông tin có cơ sở phân tích. Một vấn đề quan trọng nữa là tất cả số liệu của các lần công bố/sửa đổi phải được lưu trữ để các nhà nghiên cứu có thể phân tích/đánh giá thực trạng kinh tế chính xác. Giới economists vẫn thường tranh luận với nhau nên sử dụng số liệu preliminary release hay số liệu final revision.

Ngoài vấn đề tần suất và thời điểm công bố/sửa đổi số liệu, tính chất timely còn thể hiện qua cách thức công bố số liệu ra công chúng. Rất nhiều số liệu thống kê kinh tế có ảnh hưởng lớn lên thị trường tài chính nên các cơ quan thống kê thường có qui định về cách thức công bố rất chặt chẽ để đảm bảo tính công bằng. Trước đây một số nước "nhốt" phóng viên của các báo và hãng tin vào một phòng, công bố số liệu cho họ để học có thời gian nghiên cứu và viết tin rồi đúng giờ mở cửa phòng cho họ ra chuyển tin về tòa soạn. Hiện nay công nghệ thông tin đã phát triển hơn nên số liệu thường được công bố vào một thời điểm định trước trên website hoặc một hệ thống điện tử để bất kỳ ai cũng có thể truy cập và biết thông tin như nhau. Các hệ hãng tin tài chính lớn như Bloomberg/Reuters thường sẽ relay số liệu từ các cơ quan thống kê ngay lập tức cho khách hàng dưới dạng flash news, sau đó họ mới viết bài phân tích sau. Đảm bảo thông tin được cung cấp công bằng như vậy cũng là một khía cạnh chất lượng mà cơ quan thống kê phải tính đến.

Một điểm nhỏ nữa liên quan đến vấn đề timely là ngoài việc cung cấp số liệu cho người sử dụng trong nước, các cơ quan thống kê còn cung cấp thường ký cho các tổ chức quốc tế như WB, IMF, BIS... Một điều trái khoáy là trong khi TCTK công bố số liệu rất nhanh vào mỗi cuối quí hoặc tháng, VN lại rất chậm chạp khi cập nhật số liệu ở các tổ chức quốc tế. Điều này ít ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách trong nước nhưng gây khó khăn cho những nhà nghiên cứu và đầu tư nước ngoài cần. Về mặt này chất lượng của thống kê VN không thể nói là timely.


Consistency (nhất quán?): một chuỗi số liệu có tính chất consistency khi nó phản ánh một khía cạnh/hoạt động kinh tế ổn định theo thời gian và không gian. Ổn định theo thời gian có nghĩa là giữa 2 thời điểm khác nhau bản chất của chuỗi số liệu không thay đổi. Điều này tưởng đơn giản nhưng thực ra rất khó đảm bảo, ngay cả ở những nước phát triển. Có một số nguyên nhân làm bản chất các chuỗi số liệu thay đổi theo thời gian. Thứ nhất là khía cạnh/hoạt động kinh tế mà nó phản ánh thay đổi nên buộc người làm công tác thống kê phải thay đổi cách thu thập dữ liệu và tính toán thống kê. Lấy ví dụ GDP của Mỹ đã có một thay đổi lớn trong năm 2013 vì cách tính thay đổi để phản ánh giá trị gia tăng của các hoạt động liên quan đến intangible assets. Các đây 2 năm GDP của TQ cũng có một revision lớn vì họ đổi cách tính để đưa một số hoạt động kinh tế trước đó bị cho là ngoài luồng vào GDP chính thức. Hiển nhiên chuỗi số GDP trước và sau những thay đổi đó không còn consistent nữa và các nhà nghiên cứu phải chú ý đến điểm này. Ở đây việc lưu trữ song song chuỗi dữ liệu theo cả hai cách tính trong một thời gian đủ dài sẽ giúp những người sử dụng số liệu tránh sai xót khi có những thay đổi lớn như vậy.

Lý do thứ hai là bản thân cơ quan thống kê thay đổi cách tính vì có những phương pháp thống kê mới ra đời. Ví dụ chuỗi số NFP của Mỹ khoảng hơn chục năm trước được thay đổi cách tính áp dụng một mô hình về số lượng công ty mới thành lập và phá sản (birth-death model) để hiệu chỉnh số liệu khảo sát thô. Một ví dụ khác là chuỗi số CPI thô được chỉnh lại theo mô hình imputable quality improvement (vd một cái máy tính có tốc độ xử lý tăng 20% thì nếu giá tăng lên 20% coi như chỉ số giá của nó không đổi). Những thay đổi về phương pháp tính như vậy làm các chuỗi số liệu bị mất tính consistency, nhiều trường hợp gây ra tranh cãi và nghi ngờ trong dư luận. Trong trường hợp này tính chất transparency (tôi sẽ nói thêm bên dưới) vô cùng quan trọng.

Lý do thứ ba là mẫu khảo sát thay đổi. Đây cũng có thể coi là sự thay đổi của phương pháp thống kê nhưng trong một số trường hợp do mẫu khảo sát tăng lên hay giảm xuống vì thay đổi ngân sách thống kê. Cách đây khoảng 2 năm Úc giảm bớt số lượng khảo sát việc làm vì budget bị cắt nên cho dù phương pháp lấy mẫu và cách tính không đổi chuỗi số liệu mới sẽ không consistent với chuỗi số trước đây, chí ít về mặt sai số và volatility.

Ổn định về không gian nghĩa là chuối số liệu đại diện cho một khía cạnh/hoạt động kinh tế ở các địa phương khác nhau, các quốc gia khác nhau về bản chất phải giống nhau. Đây là lý do các tổ chức quốc tế nhưu UN, WB, IMF... đưa ra các bộ tiêu chuẩn thống kê như SNA, BoP để thống kê của các nước có thể so sánh được với nhau. Trong phạm vi từng quốc gia, thống kê địa phương dễ được thu thập và tính toán theo cùng một chuẩn, nhưng chất lượng chọn mẫu, thu thập, xử lý có thể vẫn khác nhau. Ví dụ GDP ở khu vực nông thôn có thể sẽ bị bỏ xót nhiều hoạt động phi chính thức hơn GDP của thành phố.

Tóm lại số liệu thống kê "có chất lượng" theo khía cạnh consistency sẽ phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế, phương pháp thu thập và xử lý ổn định, mẫu khảo sát đủ lớn để sai số không vượt quá ngưỡng cho phép. Những điều này đòi hỏi cơ quan thống kê phải có budget và resource đủ mạnh, là điều chưa thể mơ ước ở VN.


Transparency (minh bạch): Như đã phân tích bên trên, việc cơ quan thống kê minh bạch phương pháp và qui trình khảo sát, thu thập và xử lý số liệu rất cần thiết cho người sử dụng cuối cùng. Đặc biệt khi một chuỗi số liệu nào đó có thay đổi lớn việc giải thích cụ thể những thay đổi đó sẽ giúp tránh những nhầm lẫn đáng tiếc như vụ nhiều nhà báo cho rằng GDP bình quân đầu người VN tính theo USD tăng 23% trong năm vừa qua. Khi số liệu được điều chỉnh (sau các lần revision), các chuỗi số cũ nên được lưu giữ, thuật ngữ chuyên môn gọi là vintage series, để tiện so sánh, đối chiếu. Với những chỉnh sửa do thay đổi phương pháp tính, vd các đây vài năm TCTK thay cách tính tốc độ lạm phát năm bằng trung bình lạm phát tháng thay vì year-on-year CPI rate, cơ quan thống kê nên tính lại chuỗi số liệu trong quá khứ bằng phương pháp mới để có thể so sánh với cách tính cũ.

Transparency còn thể hiện ở số lượng và mức độ chi tiết số liệu thống kê được công bố. Lấy ví dụ chuỗi CPI có cấu thành bởi hàng trăm loại hàng hóa khác nhau, chỉ công bố chỉ số tổng hợp hoặc một vài nhóm hàng hóa lớn sẽ gây khó khăn, thậm chí nghi ngờ với người sử dụng cuối cùng. Không rõ hiện tại TCTK đã công khai trọng số của rổ CPI chưa (trước đây vài năm đây là số liệu không được phổ biến), hay đến bao giờ NHNN mới chính thức công khai dự trữ ngoại hối quốc gia chứ không úp úp mở mở như hiện tại. Nếu vì lo ngại công bố nhiều số liệu "nhạy cảm" có thể có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, vd có người sợ bị giới hedge fund quốc tế tấn công tiền tệ, thì có thể delay việc công bố số liệu. Thà rằng chất lượng theo timely bị kém đi nhưng gia tăng transparency thì vẫn hơn.

Việc rất nhiều chuỗi số liệu nay đã được công bố công khai (và miễn phí) trên website của TCTK, NHNN và nhiều bộ khác, là một bước tiến đáng khen về mặt transparency. Tuy nhiên infrastructure của những website này còn có thể được cải thiện tốt hơn, một ví dụ mà các web developer của các cơ quan thống kê VN nên học hỏi là website cung cấp số liệu FRED của St Louis Fed. Với chi phí hardware ngày càng giảm, tốc độ đường truyền ngày càng tăng, các cơ quan thống kê VN nên nâng số lượng database cung cấp cho người sử dụng lên, có thể thu một mức phí dịch vụ nhưng nên công khai điều này (chứ không phải như trước đây bạn phải quen biết ai đó để mua số liệu từ TCTK hay các cơ quan khác) mặc dù trong thâm tâm tôi muốn mọi dữ liệu đều free :-).

Một thiếu sót nữa trên website của nhiều cơ quan (thống kê) VN là thiếu mục education/Q&A cho người sử dụng cuối cùng. Tối thiểu những số liệu được cung cấp cần phải có định nghĩa đầy đủ và rõ ràng, những chuỗi số liệu có đặc thù (của VN) càng cần giải thích rõ để tránh ngộ nhận. Lấy ví dụ GDP bình quân đầu người theo USD cần phải nói rõ đó là nominal GDP theo giá hiện hành bằng VND chia cho số dân rồi qui đổi ra USD theo tỷ giá trung bình trong năm. Trong thời đại hyperlink hiện nay số liệu trên website hay thậm chí trong pdf hoặc doc files cũng có thể link thẳng đến định nghĩa hoặc giải thích. Tuyệt vời hơn nữa nếu những website này có thêm một diễn đàn hỏi đáp, giải thích các thắc mắc về số liệu thống kê cho người sử dụng.

Gia tăng transparency chắc chắn sẽ tốn thời gian, công sức, tiền bạc và nhất là cần sự thay đổi mindset của những người làm công tác thống kê (và có lẽ cả cơ quan an ninh). Nhưng đây là một điều cần thiết và có nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế, nhất là khi VN mong muốn có một nên kinh tế tri thức.


Accuracy (chính xác): Như đã nói bên trên, chính xác là yêu cầu quan trọng nhất của số liệu thống kê nên không có gì khó hiểu khi nhiều người đánh đồng "chất lượng" với "chính xác" và bỏ qua những tính chất khác tôi liệt kê bên trên. Nhưng ngay cả hiểu đơn giản như vậy cũng không đơn giản, nhất là với những số liệu thống kê kinh tế vĩ mô có tính tổng hợp cao. Nếu thống kê chỉ đơn giản đếm số phích nước, quạt máy được sản xuất thì xác đingj tính chính xác khá rõ ràng. Khi một hoạt động/khía cạnh kinh tế phức tạp hơn cần thống kê thì tính chính xác trước hết phụ thuộc vào khái niệm và định nghĩa của chỉ tiêu thống kê dự định đại diện cho hoạt động kinh tế đó.

Lấy ví dụ chúng ta muốn đo lường tốc độ tăng giá tiêu dùng trong nền kinh tế trong một năm, chúng ta có thể đưa ra một chỉ số bằng trung bình trọng số tốc độ tăng giá của một rổ hàng hoá đại diện mà người dân mua trong năm. Chắc bạn đã nhận ra đây là định nghĩa của chỉ số CPI và chắc bạn cũng thấy chỉ số này có một vài khiếm khuyết khi đại diện cho tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng. Thứ nhất rổ hàng hoá chỉ là đại diện, mỗi cá nhân, mỗi gia đình có thói quen tiêu dùng khác nhau. Thứ hai vì trọng số của mỗi loại hàng hoá cố định nên cách tính như vậy loại trừ substitution effect, nghĩa là sự thay đổi hành vi tiêu dùng khi giá tương đối giữa 2 loại hàng hoá thay đổi (vd phổ biến trong textbook là người tiêu dùng chuyển sang uống trà khi giá cà phê tăng lên). Thứ ba cách tính trung bình trọng số (dựa vào mức chi tiêu cho từng loại hàng hoá) chưa chắc đã "đúng" theo nghĩa phản ánh được perception về lạm phát trong xã hội. Không chỉ ở VN, nhiều nơi trên thế giới người dân nghi ngờ độ chính xác của con số lạm phát mà cơ quan thống kê công bố vì họ chỉ "cảm nhận" lạm phát nhưng là một con số trung bình đơn giản mức độ tăng giá của một vài loại hàng hoá mà họ dễ nhận diện.

Ví dụ trên cũng cho thấy tính chính xác của một chỉ số thống kê phụ thuộc vào subjectivity của người sử dụng nó. Rõ ràng một bà nội trợ hàng ngày đối mặt với giá gạo, thịt sẽ có perception về lạm phát khác với một central banker và do vậy sẽ có khái niệm chính xác rất khác khi cùng nhìn vào một con số thống kê. Chắc các bạn biết nhiều nước công bố CPI và core CPI (chưa kể các thể loại CPI được hiệu chỉnh khác như trimmed mean, median CPI...), thực ra đó chỉ là cách làm tăng độ chính xác của số liệu thống kê cho các đối tượng sử dụng cuối cùng khác nhau. Như vậy để tăng độ chính xác, ở khía cạnh thoả mãn nhu cầu sử dụng cuối cùng của các đối tượng khác nhau, cơ quan thống kê nên đưa ra nhiều cách tính, cách hiệu chỉnh cho cùng một chuỗi số liệu thô (cần phân biệt điều này với coverage bên trên). Gia tăng transparency như đã nói bên trên cũng giúp tăng perception của người sử dụng về độ chính xác của số liệu.

Trong công tác thống kê việc chỉnh sửa số liệu là điều tối kỵ. Tuy nhiên có những lúc việc chỉnh sửa là cần thiết để gia tăng tính chính xác của kết quả thống kê. Nhu cầu chỉnh sửa số liệu thô có hai nguyên nhân. Thứ nhất để hiệu chỉnh các bias trong phương pháp thống kê/survey mà vì lý do ngân sách hạn hẹp hay yêu cầu timely mà số liệu thô không chính xác. Ví dụ việc hiệu chỉnh CPI vì có sự thay đổi chất lượng của hàng hóa trong rổ điều tra như đã trình bày bên trên. Thứ hai là để hiệu chỉnh bias do yếu tố mùa vụ khi số liệu thống kê được thu thập theo quí hay theo tháng. Trong cả hai trường hợp các nhà thống kê lập luận rằng chuỗi số liệu thô có consistent bias và người sử dụng ít kinh nghiệm có thể sẽ bị các bias đó làm nhầm lẫn. Bởi vậy cơ quan thống kê có trách nhiệm phải hiệu chỉnh lại số liệu trước khi công bố để loại bỏ bias. Trong trường hợp thứ hai đa số các nước công bố đồng thời số liệu thô và số liệu đã được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ.

Nếu yếu tố transparency được bảo đảm tối đa, trách nhiệm hiệu chỉnh bias thuộc về người sử dụng dữ liệu cuối cùng. Tuy nhiên trên thực tế điều này không tồn tại ngay cả ở những nước tiên tiến và cũng không thể trông đợi bất kỳ ai có đủ trình độ để hiểu và tự hiệu chỉnh cac bias đó. Bởi vậy tính chính xác của số liệu đã được hiệu chỉnh sẽ không chỉ phụ thuộc vào quá trình thu thập số liệu của cơ quan thống kê mà còn vào năng lực kỹ thuật xử lý của họ. Hiện tại số liệu thống kê của VN chưa được hiệu chỉnh mùa vụ và các loại bias khác nên có thể nói mức độ chính xác còn hạn chế. Tuy nhiên đây là điểm có thể dễ dàng cải thiện vì các kỹ thuật và phần mềm hiệu chỉnh mùa vụ cũng như các loại bias khác đã được các nước tiên tiên phát triển khá lâu và công bố rộng rãi, cơ quan thống kê VN có thể học hỏi hoặc thuê chuyên gia trợ giúp. Tất nhiên bất kỳ sự hiệu chỉnh nào cũng cần phải được công khai và giải thích chi tiết.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến tính chính xác của số liệu thống kê là khả năng kiểm tra chéo với các nguồn số liệu khác nhau. Lấy ví dụ số liệu xuất khẩu của VN có thể dễ dàng được kiểm tra khi so sánh với tổng số liệu nhập khẩu từ VN của tất cả các nước. Số liệu GDP của TQ thường xuyên bị giới phân tích quốc tế nghi ngờ và họ kiểm chứng lại bằng cách so sánh với sản lượng điện tiêu thụ cùng kỳ. Việc TQ có một nguồn số liệu về điện năng độc lập với số liệu GDP của cơ quan thống kê là một sức ép lên cơ quan này phải cải thiện chất lượng thống kê GDP. Có lẽ cùng quan điểm như vậy nên nhiều nước giao việc thống kê số liệu kinh tế xã hội cho nhiều cơ quan khác nhau ngoài cơ quan thống kê quốc gia. Việc "xã hội hóa" nhiều mảng thống kê kinh tế cũng giúp việc kiểm tra chéo dễ dàng hơn.

Điểm cuối cùng liên quan đến tính chính xác của số liệu thống kê là tính độc lập của cơ quan thống kê quốc gia. Một cơ quan độc lập bên ngoài chính phủ với ngân sách đầy đủ (do QH duyệt cấp hàng năm) và cơ sở pháp lý vững mạnh sẽ tránh được sức ép công bố số liệu "đẹp" của các chính trị gia đồng thời đủ sức chế tài các tổ chức và cá nhân khác trong quá trình thu thập dữ liệu.


(Còn tiếp)



Monday, December 16, 2013

Thank you


Cách đây mấy tháng tôi có viết một entry về Social Capital và Charity, giới thiệu một ý tưởng từ thiện rất hay mà tôi tình cờ đọc được trên Quora. Một nhóm bạn trẻ mà tôi không hề quen nhắn lại sẽ tìm cách triển khai ý tưởng này ở VN. Và hôm nay đọc bài "Đời phải đáng sống" trên Tuổi Trẻ biết rằng ý tưởng "cơm treo" đã được triển khai ở VN. Tôi không biết có phải nhóm bạn trẻ đã nhắn tin cho tôi đứng đằng sau hoạt động từ thiện này không, nhưng dù là ai cũng rất cám ơn những tổ chức và cá nhân đã vận hành nó. Mong rằng hoạt động từ thiện này sẽ tiếp tục phát triển và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của xã hội nói chung và bạn đọc blog kinhtetaichinh nói riêng. Cá nhân tôi rất nóng lòng trông chờ ngày được tự tay mua những tấm phiếu "cơm treo" trên đường phố quê nhà.


Thursday, December 12, 2013

Person of the year


Tạp chí Time vừa công bố Person of the Year năm 2013 là Giáo hoàng Francis. Quyết định này bị nhiều người chê là có tính chất chính trị và ban biên tập Time đã không dũng cảm. Số là vài tuần trước giới báo chí quốc tế đã chắc mẩm Edward Snowden sẽ được Time chọn vì mức độ ảnh hưởng của nhân vật này cả trên báo chí/truyền thông lẫn trong đời sống chính trị/ngoại giao của nhiều nước quá nổi trội, đây là tiêu chí chọn Person of the Year truyền thống của Time. Tuy nhiên nếu Time chọn nhân vật này chắc chắn chính phủ Mỹ và nhiều nước khác, những "nạn nhân" do các tiết lộ của Snowden, sẽ không hài lòng. Chưa kể một số độc giả không nhỏ của Time, những người có quan điểm concervative/diều hâu, sẽ nổi giận và có thể sẽ từ bỏ tờ báo đang thoái trào này. Lựa chọn Pope Francis khá an toàn cho Time nhưng họ đã làm trái với tôn chỉ của qui trình chọn Person of the Year.

Nếu lấy tần suất xuất hiện của một cái tên trên báo chí để đo mức độ ảnh hưởng (tương đối) của một nhân vật trong một năm thì có một cách xác định khá đơn giản. Đó là sử dụng Google search, chọn "Past year" và "News" để xem mức độ phổ biến của từng nhân vật theo số kết quả tìm được, nghĩa là số các bài báo có tên của nhân vật đó đã được Google ghi nhận. Tôi thử search cho "Pope Francis" và "Edward Snowden" thì kết quả là Giáo hoàng có 47 trang, còn Snowden có 58 trang. Rõ ràng giới báo chí quốc tế đã có lý. Đến đây tôi nảy ra ý định sử dụng phương pháp này để tìm Person of the Year cho VN. Một điều khó khăn là trước hết phải chọn ra một danh sách các nhân vật có tên tuổi và có ảnh hưởng lớn trong năm qua (theo tiêu chí tần suất xuất hiện trên báo). Tất nhiên tôi không thể đưa ra được một danh sách đủ bao quát vì rất mất thời gian và phải có hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, xã hội VN trong năm 2013. Bởi vậy tôi tạm đưa ra 12 nhân vật tôi cho rằng có khả năng đã xuất hiện trên báo chí khá nhiều trong năm qua chia thành 4 nhóm như sau:

- Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang
- Kinh tế: Nguyễn Văn Bình, Lê Đăng Doanh, Đoàn Nguyên Đức
- Văn hóa: Trương Ngọc Ánh, Ngọc Trinh, Công Vinh (mục này tôi mù tịt chỉ đoán mò)
- Xã hội: Dương Chí Dũng, Nguyễn Thanh Chấn, Võ Nguyên Giáp


Kết quả search Google cho từng cái tên bên trên (để trong ngoặc kép) với tiêu chí cho Past year và trong mục News như sau (đo bằng số trang kết quả):

Nguyễn Tấn Dũng: 30 (search từ "Thủ tướng": 50)
Trương Tấn Sang: 25 (search từ "Chủ tịch nước": 59)
Nguyễn Phú Trọng: 21 (search từ "Tổng bí thư": 30)

Nguyễn Văn Bình: 17 (search từ "Thống đốc": 40)
Lê Đăng Doanh: 5
Đoàn Nguyên Đức: 3 (search từ "Hoàng Anh Gia Lai": 14)

Ngọc Trinh: 45
Công Vinh: 41
Trương Ngọc Ánh: 11

Võ Nguyên Giáp: 21 (search từ "Đại tướng": 54).
Nguyễn Thanh Chấn: 27
Dương Chí Dũng: 7 (search từ "Vinalines": 11)


Như vậy nếu chỉ dựa trên tiêu chí search theo tên thì Ngọc Trinh là Person of the Year của giới báo chí VN :-). Nếu thêm cả title hoặc từ khóa liên quan thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận danh hiệu này.


Thursday, December 5, 2013

Repost


Mấy tuần nay hiện tượng bitcoin nóng trở lại khi đồng tiền này tăng giá phi mã. Để giúp cho các bạn hiểu hơn về nó tôi repost lại một entry đã viết từ năm 2011. Lúc đó bitcoin mới chỉ có giá 14-15 USD/BTC. Bây giờ tiếc hùi hụi hồi đó không mạo hiểm "đầu tư" một ít bitcoin, biết đâu bây giờ đang ngồi viết blog trên một hòn đảo Caribbean nào đó :-)


Money and banking VIII


1.
Bitcoin (BTC) không phải là đồng tiền điện tử đầu tiên, Linden của Second Life hay thậm chí Vcoin của VTC đã ra đời trước BTC khá lâu. Tuy nhiên tất cả các đồng tiền fiat từ trước đến nay, dù là tiền giấy hay tiền điện tử, đều có một đặc điểm chung là phải được centralized, nghĩa là do một thực thể duy nhất phát hành, bảo đảm và thực hiện chức năng clearing trong nhiều trường hợp [không biết clearing/clearing house dịch ra tiếng Việt là gì?]. Lý do các đồng tiền fiat cần phải có central authority là để những người sử dụng nó tin tưởng vào khả năng store of value của đồng tiền mà họ nắm giữ không bị mất quá nhanh (nên nhớ đây chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ, nhiều đồng tiền centralized nhưng vẫn bị mất giá quá nhanh và người dân/người sử dụng tìm mọi cách không phải nắm giữ chúng quá lâu). BTC là đồng tiền đầu tiên không cần central authority, ngay từ công đoạn phát hành cho đến chức năng clearing.

BTC lấy ý tưởng từ hình thức chia sẻ file peer-to-peer thông qua bittorrent, tuy nhiên người sáng tạo ra nó, Satoshi Nakamoto, đã có những ý tưởng tuyệt vời để vượt qua những khó khăn mà một đồng tiền điện tử p2p sẽ gặp phải. Trở ngại đầu tiên là ai sẽ là người phát hành tiền và cách thức phân bổ những đồng tiền mới được tạo ra như thế nào cho công bằng? Nếu bạn nhớ lại những đồng tiền bằng đá ở đảo Yap là những đồng tiền có tính chất decentralized (nhiều commodity currency cũng có tính chất như vậy), nghĩa là người dân tự tạo ra đồng tiền và tự trao đổi với nhau mà không cần central authority can thiệp. Nhưng để có được những đồng tiền mới, người dân đảo Yap phải bỏ thời gian, công sức, và cả resources mới khai thác được. Ý tưởng đồng tiền (store of value) cũng là store of labour có từ thời cổ đại, được áp dụng ở đảo Yap vài thế kỷ trước, và đến năm 2009 đã được Satoshi Nakamoto áp dụng cho BTC.

Trên nguyên tắc, tất cả những ai tham gia vào BTC network đều có thể tạo ra những đồng BTC mới - quá trình tạo tiền mới này gọi là mining. Có lẽ thuật ngữ "mining" được chọn không phải tình cờ vì quá trình tạo tiền này giống quá trình khai thác mỏ ở hai điểm quan trọng. Thứ nhất bạn phải bỏ công sức và thời gian để mine, bạn cũng cần phải có "vốn liếng" để làm việc này. Nếu bạn chỉ có "vốn" nhưng không biết cách hoặc không có thời gian thì bạn có thể cho thuê lại "vốn" của mình cho những người làm dịch vụ (sẽ giải thích rõ hơn bên dưới). Thứ hai, số BTC bạn mine được giảm dần theo thời gian (một dạng non-renewable resource) và thay đổi tùy theo số người tham gia mine, càng nhiều người mine thì thời gian và công sức bạn bỏ ra để có một BTC sẽ tốn kém hơn.


2.
Vậy quá trình mining cụ thể như thế nào? Nó có khác gì so với quá trình farming trong các online games? Trước khi trả lời câu hỏi này cần nhắc đến thách thức thứ hai của một đồng tiền decentralized, đó là vấn đề clearing cho hệ thống tiền tệ này. Ngoại trừ tiền giấy (cash) hai bên tham gia giao dịch có thể tự clear transaction với nhau, các loại tiền điện tử khác (kể cả check và electronic transfer, credit card dựa trên hệ thống tiền giấy) đều đòi hỏi phải có một (vài) central clearing house. Ví dụ khi bạn mua hàng bằng credit card, quá trình clearing thường sẽ do một vài ngân hàng thương mại đảm nhận hoặc có thể có sự tham gia của ngân hàng trung ương hay các tổ chức tài chính quốc tế khi dòng tiền phải chảy qua biên giới (vd. Visa, Paypal, BIS). Quá trình này có thể sẽ diễn ra trong 1-2 giây nhưng cũng có thể trong vài ngày. Muc đích cuối cùng của quá trình clearing là chuyển một phần purchasing power của bạn cho người bán hàng.

[Note: Ở đây cần lưu ý purchasing power có thể là current wealth hoặc future wealth của một người, nghĩa là khái niệm "tiền" không nhất thiết là những gì bạn đã làm ra (hoặc được thừa hưởng). Nếu tiền chỉ giới hạn trong current wealth thì nó tương đồng như khái niệm tiền là "store of labour" như nhiều đồng tiền trong lịch sử hay như chính BTC. Tuy nhiên hầu hết các đồng tiền hiện đại đều vượt qua khái niệm "store of past labour", khi một central bank phát hành một đồng tiền mới thì đồng tiền đó dựa trên khái niệm "store of future labour". Trên balance sheet của central bank, tiền là liability của chính quyền trung ương được đảm bảo hay cân bằng bằng assets (thường) là trái phiếu chính phủ. Còn trái phiếu chính phủ lại được đảm bảo bằng "future taxing power" của nhà nước. Việc bạn dùng credit card để mua hàng cũng tương tự như vậy, bạn dùng future labour của mình để thanh toán cho purchasing power hiện tại. Tôi sẽ viết cụ thể hơn về vấn đề này trong một entry riêng về Money and banking.]

Mục tiêu của Bitcoin network là tạo ra một dạng p2p money, nghĩa là quá trình clearing có thể diễn ra giữa 2 đối tác giao dịch hệt như khi thanh toán bằng tiền giấy hay một loại commodity money nào khác. Nhưng làm thế nào người bán có thể đảm bảo đồng BTC nhận được từ người mua không bị làm giả nếu không có một bên thức ba (clearing house) kiểm tra? Ở đây khái niệm làm giả không chỉ đơn thuần là người mua tạo ra một đồng BTC giả mà còn có thể là anh ta dùng một đồng BTC thật mua hàng ở nhiều chỗ khác nhau. Giải pháp của Satoshi Nakamoto là dùng chính Bitcoin network thực hiện chức năng clearing và những người bỏ công sức và computing power ra làm nhiệm vụ clearing này sẽ được tưởng thưởng bằng những đồng BTC mới.

Như vậy trên thực tế Bitcoin network không triệt tiêu clearing house mà chỉ chuyển đổi các central clearing houses như trong các hệ thống tiền tệ khác thành một decentralized clearing house. Một điểm khá thú vị là giữa Bitcoin network và một hệ thống fiat money hiện tại có một điểm tương đồng về khả năng làm giả tiền. Với một hệ thống tiền của một quốc gia, một người có thể làm giả tiền nếu anh ta có resource (kỹ thuật, tài chính, công sức) đủ mạnh để cạnh tranh với nhà phát hành tiền - ở đây là nhà nước. Trong hệ thống Bitcoin, một người có thể làm giả tiền nếu computing power của anh ta cạnh tranh được với computing power của những người còn lại tham gia clearing cho network. Vì Bitcoin network còn khá nhỏ nên khả năng một cá nhân hay một nhóm người nào đó có thể tập hợp computing power đủ lớn để làm giả tiền là một nguy cơ có thật và đó chính là điểm yếu của hệ thống tiền tệ này.


3.
[Note: Trước khi giải thích quá trình clearing của BTC, tôi tạm "lấn sân" các bạn IT về khái niệm "hashing" (thú thực tôi không biết cụ thể quá trình hashing thực thi như thế nào mà chỉ hiểu khái niệm). Về cơ bản hashing là một quá trình mã hóa một chuỗi dữ liệu thành một dãy số (hash) có chiều dài cố định và không bị trùng lặp. Ví dụ bạn có thể dùng phương pháp SHA-256 để hash một văn bản (với độ dài tùy ý) thành một chuỗi số có độ dài 256 bit. Chuỗi số này "độc nhất vô nhị", nghĩa là không một văn bản nào dù chỉ khác 1 ký tự có thể có hash giống hệt như vậy. Có rất nhiều phương pháp hashing với mức độ khó/phức tạp khác nhau, vd SHA-1, SHA-2, MD4, MD5... (tôi thường dùng MD5 để tạo password bằng một số free apps trên smartphone). Với những phương pháp hashing mạnh, quá trình hashing có tính chất một chiều, nghĩa là nếu bạn có chuỗi số hash, bạn gần như không thể lần ngược ra văn bản ban đầu, SHA-256 là một trong số những phương pháp đó. Một trong những ứng dụng của hash là để kiểm tra tính xác thực của một file văn bản hay dữ liệu. Giả sử bạn công bố một văn bản (rất lớn) và chuỗi số hash của nó, bất kỳ ai download hay copy văn bản đó cũng có thể kiểm tra rất nhanh xem văn bản họ nhận được có bị thay đổi so với bản gốc của bạn hay không bằng cách tính hash của văn bản họ nhận được và so sánh với hash của bản gốc do bạn công bố.]

Quá trình clearing trong Bitcoin network như sau. Mỗi khi một transaction được thực hiện, chi tiết về transaction đó được thông báo công khai cho toàn bộ network và những người đang tham gia vào dịch vụ clearing sẽ ghi lại transaction đó vào một transaction log. Với những hệ thống centralized money thì central clearing house sẽ làm việc này và không ai có thể làm giả transaction log được trừ khi bạn hack được vào máy chủ của clearing house và thay đổi nội dung của log. Trong Bitcoin network transaction log được chia ra thành các block, mỗi block có chứa hash (SHA-256) của block trước nó và các transactions mới xuất hiện cùng với một con số ngẫu nhiên. Nhiệm vụ của các thành viên clearing trong Bitcoin network là tính ra hash cho những block mới xuất hiện. Việc tính hash cho một văn bản như giải thích bên trên không khó, nhưng Satoshi Nakamoto có một sáng kiến rất thông minh là yêu cầu số hash tính được phải nhỏ hơn một target nhất định (có thể thay đổi được). Nếu chuỗi số hash bạn tính được lớn hơn target thì bạn phải thay đổi con số ngẫu nhiên trong block và tính lại hash mới.

Tất cả các thành viên tham gia clearing sẽ chạy đua với nhau để tính ra số hash "đúng" cho block mới được tạo. Một khi ai đó tính ra nó, các thành viên khác sẽ dễ dàng kiểm chứng và block đó sẽ trở thành official transaction log cho toàn bộ network. Khi bạn dùng một đồng BTC của mình để mua một sản phẩm nào đó, người bán sẽ đợi đến khi nào transaction giữa bạn và anh ta được ghi chính thức vào một block được thừa nhận, nghĩa là hash đã đạt target rồi mới chấp nhận giao hàng. Tốc độ network xử lý các block và tạo hash phụ thuộc vào 2 yếu tố: số người (và computing power) tham gia vào nhiệm vụ clearing và mức độ khó của target. Thuật toán của Bitcoin network sẽ thay đổi target (khi số người tham gia clearing thay đổi) để đảm bảo cứ khoảng 10 phút sẽ có một block mới được tạo ra, nghĩa là khi số người tham gia đông lên thì target sẽ khó đạt được hơn. Với những hoạt động mua bán online thì khoảng delay 10 phút này có thể chấp nhận được.

Đến đây chắc các bạn đã đoán được BTC mới được tạo ra như thế nào. Thành viên nào giải được hash cho một block mới sẽ được "trả công" bằng một lượng BTC mới phát hành. Do vậy mining những đồng BTC mới chính là sản phẩm của quá trình clearing. Bạn muốn tạo ra tiền thì phải bỏ công (và computing power) ra phục vụ cho cộng đồng. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa mining trong Bitcoin network với farming trong các trò chơi online (bên cạnh một khác biệt khác là hệ thống tiền tệ trong các games đều là centralized). Mặc dù cùng phải mất thời gian và computing power, mining ở đây tạo ra dịch vụ thực sự (có ích) cho cộng đồng chứ không chỉ đơn thuần thực hiện một số nhiệm vụ định trước để tạo ra tiền trong games như hoạt động farming. Ở điểm này Bitcoin network được thiết kế rất khéo léo và tốt hơn hệt thống tiền đá của đảo Yap hay thậm chí hệ thống gold starndard trước đây trong lịch sử (i.e. người khai thác đá hay đi đào vàng hoàn toàn vì vụ lợi cho chính mình chứ không phải cho cộng đồng - ngoại trừ tăng liquidity cho nền kinh tế).

Ban đầu "tiền công" cho một block là 50 BTC, sau đó số tiền này giảm 50% sau mỗi 210k block được tạo ra. Ý tưởng giảm dần số "tiền công" này có lẽ xuất phát từ khái niệm non-renewable resources và sẽ làm cho tổng số BTC lưu hành tiệm cận dần đến con số 21 triệu. Bên cạnh việc thu được các đồng BTC mới, các thành viên clearing/mining có thể thu phí xử lý cho những giao dịch lớn, đây có lẽ là một giải pháp để thu hút số người tham gia clearing trong tương lai khi số lượng BTC tới hạn. Tất nhiên khi BTC càng khó tạo ra thì giá trị của nó càng tăng, hay nói cách khác giá cả trong nền kinh tế sử dụng BTC giao dịch sẽ bị deflation. Tuy nhiên tốc độ deflation (và tốc độ money supply) có thể xác định trước khá chính xác, cho nên một rational agent sẽ tính toán giá cả chính xác dựa trên tốc độ deflation này. Đây cũng là ý tưởng của Milton Friedman kêu gọi bãi bỏ Fed và thay bằng một cái máy tính chạy một thuật toán xác định trước để tính ra tốc độ tăng money supply cố định.

Như đã nói bên trên, mọi thành viên trong Bitcoin network đều có quyền tham gia vào quá trình clearing để được nhận những đồng BTC mới. Tuy nhiên điều này đòi hỏi bạn phải có máy tính mạnh và trình độ IT để lập trình. Nếu không có kiến thức, bạn có thể cho thuê computing power của mình cho những nhóm chuyên nghiệp có khả năng vận hành/quản lý hoạt động clearing (nghĩa là thu thập thông tin về các transaction mới, tính hash, kiểm tra hash...). Tất nhiên máy tính của bạn phải nối mạng 24/24 và phải thực sự mạnh thì mới đáng (hầu hết các máy tính tham gia clearing đều sử dụng GPU bên cạnh CPU để thực hiện các parallel computation tasks). Việc huy động một lượng lớn computing power tham gia vào quá trình clearing có ý nghĩa quan trọng với Bitcoin network. Nếu số lượng computing power quá ít, một kẻ giả mạo có thể huy động một lượng computing power lớn hơn để tạo ra một transaction log giả, nghĩa là tính ra hash cho các block mới nhanh hơn toàn bộ network. Bitcoin network còn có một số vấn đề kỹ thuật khác mà tôi sẽ không thảo luận tiếp ở đây. Tôi sẽ dành thời gian phân tích những khía cạnh kinh tế của hệ thống tiền tệ này và đánh giá những ứng dụng tương lai của ý tưởng mà những người phát triển Bitcoin đã đưa ra.


4.
Cho đến thời điểm này (7/7/2011) có hơn 6.7m BTC đã được tạo ra. Tỷ giá của 1 BTC so với USD theo Mt. Gox (một sàn giao dịch Bitcoin) dao động từ 14.6 đến 15.9 trong 48 giờ qua. Nghĩa là nền kinh tế Bitcoin đang có trị giá vào khoảng $100m, còn rất nhỏ so với các nền kinh tế thực và thậm chí nhỏ hơn so với nền kinh tế trong Second Life với đồng Linden (khoảng $600m). Trên thực tế BTC đang dần dần thâm nhập vào chính thị trường Linden và các game online khác vì chính đặc tính decentralized của nó. Đặc tính này cũng là điểm hấp dẫn với thế giới ngầm (buôn bán ma túy, hàng lậu, Wikileak...) và cũng là nguyên nhân thượng nghị sĩ Charles Schumer lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng Mỹ phải đóng cửa hoạt động của mạng lưới tiền tệ này. Ngược lại nó là niềm mơ ước của những người theo trường phái Libetarianism/Austrian vì đây có thể là một công cụ để "vặt bớt lông cánh" của nhà nước, nghĩa là tước bỏ chức năng phát hành tiền khỏi tay của những "đầy tớ của nhân dân" này. Không phải vô tình mà nhiều tiếng nói ủng hộ Bitcoin xuất phát từ George Mason University, một trung tâm của giới libetarian economists.

Luật pháp của hầu hết các quốc gia đều cấm các tổ chức hay tư nhân phát hành một đồng tiền song song với đồng tiền quốc gia. Ngoài khía cạnh chính trị và văn hóa, nguyên nhân kinh tế của việc nhà nước độc tôn phát hành tiền liên quan đến hệ thống thuế quốc gia. Độc quyền phát hành tiền là một biện pháp hiệu quả để một nhà nước có thể thu thuế của dân, trực tiếp qua các thể loại direct/indirect tax hoặc gián tiếp qua inflation tax (seigniourage). Một trong những cách trốn thuế phổ biến ở hầu hết các nước là giao dịch bằng tiền mặt, BTC với tính chất decentralized chính là "tiền mặt" trong thời đại mọi thứ đều "online". Một khi giao dịch được thực hiện thông qua BTC, nhà nước chỉ thu được thuế khi các bên tham gia "tự nguyện" đến nộp, sẽ cực kỳ khó khăn cho cơ quan thuế điều tra hay theo dõi các hoạt động kinh tế trong Bitcoin network. Tất nhiên vì BTC do network tạo ra nên nhà nước cũng mất nguồn inflation tax. [Tương tự như vậy, NHNN cũng mất một nguồn thu không nhỏ khi nền kinh tế bị đô la/vàng hóa].

Giống như Internet, Bitcoin network và đồng tiền BTC sẽ không có biên giới (tất nhiên trừ những nước đặt firewall), nghĩa là BTC có khả năng sẽ trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế nếu đồng tiền này không chết yểu. Thử tưởng tượng một ngày nào đó một doanh nghiệp dệt may nhỏ ở VN được Walmart thanh toán bằng BTC trực tiếp, không thông qua một ngân hàng nào cả và cũng không bị nguy cơ "kết hối bắt buộc" của NHNN. Ở chiều ngược lại, một nhà đầu tư nhỏ ở một tỉnh lẻ của VN có thể dễ dàng mở một tài khoản và chuyển BTC ra nước ngoài để "đánh vàng" trên một sàn giao dịch ở Dubai hay Hong Kong mà không ai ngăn cấm được. Trên tầm mức quốc gia và quốc tế, những vấn đề như currency war, currency speculation sẽ biến mất. Thặng dư hay thâm hụt thương mại sẽ chỉ là kết quả của khác biệt productivity và saving ratio chứ không liên quan đến tỷ giá nữa. Tất nhiên central banks cũng không còn vai trò gì và sẽ biến mất cùng với khái niệm monetary policy. Một viễn cảnh khá giống với việc quay về lại gold standard.

Nhưng có một khác biệt quan trọng giữa gold standard và Bitcoin network. Nếu chỉ có "Thượng đế" mới tạo ra được nguyên tố thứ 79 với những đặc tính "vàng" như vậy, bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện một/vài Satoshi Nakamoto khác với những đồng BTC mới có thể còn ưu việt hơn đồng Bitcoin hiện tại. Nghĩa là giới FX traders sẽ không lo thất nghiệp :-) còn Friedrich Hayek sẽ "mỉm cười nơi chín suối" vì mơ ước non-sovereign competitive currency trở thành hiện thực.



(Còn tiếp)


Update: Một bạn cho biết thuật ngữ "clearing" được dịch là "thanh toán bù trừ". Tất nhiên dịch thuật là tương đối nhưng theo tôi dịch như vậy không hoàn toàn chính xác và có thể gây ra nhầm lẫn. Chữ "bù trừ" có lẽ xuất phát từ khái niệm "offsetting" hoặc "netting", ví dụ nếu A mua của B một món hàng trị giá $100 vào buổi sáng, sau đó bán cho B một món hàng khác trị giá $50 vào buổi chiều thì đến cuối ngày clearing house sẽ thực hiện nghiệp vụ offsetting các liabilities giữa A và B để cuối cùng chỉ phải chuyển $50 từ tài khoản của A cho B. Tuy nhiên quá trình clearing bao gồm nhiều nghiệp vụ hơn là chỉ đơn thuần thực hiện offsetting.

Clearing hiểu theo nghĩa rộng là quá trình settlement các hoạt động kinh tế tài chính (không nhất thiết là mua bán). Khi bạn ra chợ mua một bó rau, sau khi thỏa thuận giá bạn phải đưa ra một (vài) đồng bạc giấy cho người bán. Người bán phải kiểm tra tính hợp pháp của những tờ giấy bạc đó (có phải bạc giả hay không, có phải bạn vừa rút trộm từ túi một người khác hay không...), thanh toán tiền thừa cho bạn và giao bó rau cho bạn. Đấy là quá trình clearing trong một giao dịch bằng cash. Khi bạn đặt lệnh mua một số cổ phiếu trên sàn giao dịch và broker thực thi lệnh đó, đến cuối ngày clearing house (có thể là pháp nhân khác với sàn giao dịch) sẽ offset số cổ phiếu giao dịch trong ngày giữa broker của bạn với các broker khác để tính ra số cổ phiếu "net" và tiền phải trao đổi giữa các broker với nhau. Clearing house sẽ thông báo những thông tin này cho brokers và yêu cầu họ phải thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó (T+2, T+3...). Thông thường (nhưng không nhất thiết) các brokers sẽ chuyển cổ phiếu và tiền thông qua clearing house chứ không chuyển trực tiếp cho nhau. Bởi vậy khi clearing house nhận được đầy đủ số cổ phiếu và tiền phải trao đổi thì quá trình clearing coi như chấm dứt (clearing house có thể kiêm luôn chức năng custodian - hình như được dịch là "lưu ký").

Trong thanh toán điện tử, quá trình clearing có thể phải thông qua central bank hay các tổ chức clearing quốc tế như tôi đã nêu bên trên. Một chức năng quan trọng của clearing house là kiểm tra xem tài khoản của bạn có đủ số tiền để thanh toán cho liability cần phải settle hay không. Trong lịch sử khi non-cash transaction chủ yếu thông qua những tờ check bằng giấy, người ta nói tờ check đã được "clear" nghĩa là nó đã được kiểm chứng và tiền đã (bắt đầu) được chuyển. Có lẽ khởi nguồn của từ clearing/clearing house bắt nguồn từ đây. Trong trường hợp Bitcoin bên trên, clearing cũng tương tự như clearing những tờ check trong quá khứ, nghĩa là kiểm chứng tính xác thực của đồng BTC được người mua đưa ra thanh toán và chuyển đồng tiền đó vào tài khoản của người bán (tạo ra một official block mới bao gồm transaction đó).

Như đã nói bên trên, quá trình clearing cho một giao dịch mua bán có thể chỉ diễn ra trong vài giây nhưng cũng có thể mất vài ngày (T+3 trong mua bán cổ phiếu là một ví dụ). Nhưng quá trình clearing cho các giao dịch tài chính, nhất là các derivatives, có thể dài hơn nhiều, phụ thuộc vào tính chất của từng sản phẩm. Ví dụ với một hợp đồng futures/forward thì hoạt động clearing bắt đầu từ khi hợp đồng đó được tạo ra (một bên mua và một bên bán) cho đến khi nó được đóng lại (hai bên offset positions hoặc hợp đồng hết hạn). Những loại derivatives khác như options, swap, CDS... đều có thời gian clearing dài. Với exchange traded derivatives thì clearing được tập trung trong một centralized clearing house, còn OTC derivatives thường do banks hoặc brocker-dealers đảm nhận. Một trong những khuyến nghị cải cách quan trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi là đưa tất cả (hoặc phần lớn) những giao dịch OTC, nhất là CDS, vào một central clearing house.

Tóm lại dịch chữ "clearing" thành "thanh toán bù trừ" không phản ánh được chính xác ý nghĩa của quá trình này. Nhưng tôi cũng chưa biết dịch thế nào cho đúng, hay cứ tạm dùng nguyên bản chữ clearing vậy, dù sẽ bị chê trách không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt :-(

Update (12/07)Krugman có một entry ngắn về money với một câu kết rất hay: "...money is a social convention meant to deal with an imperfect world, and that dealing with that imperfect world sometimes means that central banks need to take exceptional action..."

Update (14/07)NPR có một podcast về Bitcoin. Câu so sánh BTC như là "a computerized version of gold" rất hay. Trong podcast này NPR hỏi ý kiến của Ronald Mann, giáo sư luật đại học Columbia, và Benjamin Friedman, giáo sư kinh tế đại học Harvard, và cả hai đều nghi ngờ về tương lai của BTC.

Update (5/09): Một số thông tin về nhân vật Satoshi Nakamoto.

Monday, December 2, 2013

Parliament voting


Liên quan đến kết quả các đại biểu QH bỏ phiếu thông qua Hiến pháp 2013 vừa rồi tôi thấy voting procedure của QH VN có hai điểm cần bàn.




Trước hết từ bảng kết quả bên trên có thể thấy qui trình bỏ phiếu của QH chia số đại biểu thành 4 nhóm: (i) Tán thành, (ii) Không tán thành, (iii) Không biểu quyết, và (iv) Vắng mặt. Lưu ý: nhóm (iv) không hiển thị trong bảng kết quả bên trên nhưng nó tồn tại trên thực tế. Những đại biểu trong nhóm này không thể xếp vào một trong ba nhóm đầu. Khác với qui tắc bầu cử của VN, quốc hội các nước và các tổ chức quốc tế mà tôi được biết chỉ phân số phiếu bầu/đại biểu thành 3 nhóm (i-iii), những người vắng mặt được gộp chung vào nhóm (iii), coi như họ không có ý kiến (abstain).

[Thắc mắc: Tổng số đại biểu tham gia bỏ phiếu là 488 người, tương đương 97.99%. Như vậy 100% số đại biểu QH được phép bỏ phiếu là 498 người (=488/0/9799). Theo website của QH, Khoá 13 (2011-2016) có 500 đại biểu, trừ bà Đặng Thị Hoàng Yến đã từ nhiệm thì còn ai không được bỏ phiếu? Update: Bác NVP (xem comment bên dưới) cho biết ngoài bà Yến còn ông K’Rá đại biểu Đắc Nông bị đột tử năm 2012. Hai cái ghế nghị sĩ bị khuyết khá lâu này cũng là một đặc thù của VN vì ở nước ngoài các đảng phái chính trị sẽ tranh giành nhau ngay để tăng số phiếu của mình trong QH.]

Khác với các tổ chức quốc tế (UN, WB, IMF) một đặc điểm của quốc hội của các nước dân chủ là số người không bỏ phiếu rất ít, đa số bỏ phiếu thuận hoặc chống. Lý do đơn giản vì bỏ phiếu thuận hoặc chống là quyền lợi và nghĩa vụ của các đại biểu QH. Nghĩa vụ đối với cử tri bầu mình vào QH và nghĩa vụ với đảng phái mà mình tham gia (có một số trường hợp đại biểu QH bỏ phiếu chống lại đảng của mình, những lá phiếu như vậy có tên lóng là "conscience vote"). Quyền lợi vì đó là cách để từng đại biểu QH tác động vào chính sách, không bỏ phiếu/bỏ phiếu trắng thì họ tự tước đoạt quyền lợi này của chính mình. Ngay cả những đại biểu độc lập hoặc của các đảng phái nhỏ, việc bỏ phiếu thuận hay chống lại một chính sách/dự luật do một đảng lớn đưa ra là cách để họ bargain giành thêm quyền lợi cho đảng/cử tri của mình.

Các đại biểu QH có thể giải thích cho cử tri vì sao mình bỏ phiếu thuận hoặc chống một dự luật chứ khó có thể giải thích việc không bỏ phiếu. Xét cho cùng một dự luật chỉ có thể hoặc được thông qua, hoặc bị loại bỏ nên nghĩa vụ của đại biểu QH là phải cân nhắc xem liệu dự luật đó xét về tổng thể có lợi hay không cho cử tri của mình để tán thành hoặc phản đối. Không thể có chuyện tôi không có ý kiến gì nên không bỏ phiếu hoặc tôi chỉ tán thành một phần dự luật nên cũng không bỏ phiếu. Nói như vậy có nghĩa vị đại biểu đó đã không hoàn thành nhiệm vụ được cư tri giao phó.

Vấn đề thứ hai quan trọng hơn là nguyên tắc bỏ phiếu công khai. Ở quốc hội của các nước mà tôi được biết đa số các cuộc bỏ phiếu được tiến hành công khai. Ở Úc điều này là nghiễm nhiên vì tất cả các cuộc họp và bỏ phiếu ở QH được quay truyền hình và dân thường/giới báo chí được vào dự (ngồi nghe/quan sát trong một khu vực riêng). Kết quả bỏ phiếu có thể được "officially recorded", nghĩa là ai bỏ phiếu gì (thuận/chống) được ghi lại trong journal của QH. Tất nhiên vì bỏ phiếu công khai nên dù có "officially recorded" hay không báo chí vẫn thống kê được ai ủng hộ ai chống. Việc công khai kết quả bỏ phiếu như vậy đảm bảo tính accountability và transparency. Một đại biểu QH khi tranh cử tuyên bố chống lại phá thai thì khi bỏ phiếu cho một dự luật về vấn đề này phải giữ nguyên quan điểm và phải công khai lá phiếu của mình để cử tri kiểm tra.

Đối với đảng phái mà mình tham gia, bỏ phiếu công khai - thường là theo "party line", nghĩa là theo "nghị quyết" của đảng - cũng là cách để các đảng viên chứng minh sự trung thành/kỷ luật của mình với đảng phái mà họ tham gia. Trong trường hợp bỏ phiếu Hiến pháp 2013 vừa rồi, ngoại trừ ông Dương Trung Quốc đã công khai nhận rằng mình bỏ phiếu trắng, không ai biết người còn lại là ai, rất có thể là một đảng viên ĐCS VN đã không bỏ phiếu theo nghị quyết. Tất nhiên những người bỏ lá phiếu "conscience vote" như vậy nhiều khả năng sẽ bị đảng của họ kỷ luật, thậm chí khai trừ khỏi đảng. Tuy nhiên họ có thể vẫn được cử tri ủng hộ nếu lá phiếu đó phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri. Đại biểu QH phải đại diện cho quyền lợi và ý nguyện của cử tri chứ không phải cho đảng phái mà mình tham gia.

Bảng kết quả bỏ phiếu bên trên cho thấy trong số 498 đại biểu được quyền bỏ phiếu không ai có "conscience", cho nên bỏ phiếu vô danh như vậy có khi lại là lối thoát cho họ.