Wednesday, November 6, 2013

Accounting identity


Có một lỗi trong kinh tế học mà khá nhiều người mắc phải, không chỉ những bạn sinh viên "chưa thuộc bài" hay một số nhà kinh tế "không chuyên" mà cả những giáo sư rất uy tín. Cá nhân tôi cũng từng mắc phải lỗi này và không loại trừ khả năng sẽ bị lại trong tương lai. Lỗi đó là nhầm lẫn giữa accounting identity và behavioral relationship/equation khi phân tích các vấn đề kinh tế. Vậy identity và relationship khác nhau thế nào?

Trong toán học biểu thức (a+b)^2=a^2+2ab+b^2 là một identity, nó luôn đúng chí ít trong một hệ qui chiếu hay với một nhóm tiên đề nào đó. Một biểu thức trong kinh tế học nếu luôn đúng thì đó cũng là một identity. Loại identity phổ biến nhất trong kinh tế học là accounting identity, trong đó có thể hiểu các nguyên tắc và định nghĩa accounting là một hệ tiên đề đảm bảo cho những biểu thức đó luôn đúng. Lấy ví dụ Assets = Liabilities + Equity luôn luôn đúng nếu được áp dụng trong một hệ accounting chuẩn tắc.

Một biểu thức mô tả relationship có thể đúng, có thể sai tuỳ thuộc vào lý thuyết và những giả định mà từ đó nó được xây dựng. Thông thường một biểu thức relationship mô tả sự phụ thuộc của một/vài biến số vào một/vài biến số khác. Ví dụ định luật vạn vật hấp dẫn của Newton F=g*m1*m2/r^2 là một relationship mô tả sự phụ thuộc của lực hấp dẫn F vào khối lượng của 2 vật thể m1, m2 và khoảng cách r giữa chúng. Relationship này "đúng" ở một mức độ và một số hoàn cảnh nhất định, nhưng "không đúng" trong những hoàn cảnh khác. Một ví dụ về behavioral relationship trong kinh tế học là Permanent Income Hypothesis của Milton Friedman C=c*I, trong đó C là consumption, I là permanent income và c là một hằng số (propensity to consume).

Thông thường các identity được dùng để mô tả những định nghĩa/đại lượng/hiện tượng/hoàn cảnh xảy ra còn relationship dùng để giải thích những hiện tượng đó. Identity rất cần thiết nhưng relationship mới là những phát minh khoa học và là động lực để một ngành khoa học phát triển. Để phân tích một quan hệ nhân quả người ta cần sử dụng relationship chứ không phải identity. Tuy nhiên trong kinh tế học nhầm lẫn giữa identity và relationship không hiếm. Sau đây là một số ví dụ điển hình.


PY = vM

Đây là một accounting identity rất nổi tiếng và thường xuyên bị "sử dụng nhầm" như là một behavrioral relationship để phân tích về mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát. Người ta thường chuyển Y sang vế phải để identity này thành P=vM/Y và lập luận rằng nếu tăng M gấp đôi thì hiển nhiên P sẽ tăng gấp đôi. Một số người cho rằng đây là nguyên tắc căn bản của trường phái monetarism, nghĩa là đánh đồng identity này với một lý thuyết (relationship) về tiền tệ. Trên thực tế cả 4 biến số trong identity này có quan hệ mật thiết với nhau, bởi vậy khi M thay đổi cả 4 có thể thay đổi để đảm bảo identity ban đầu vẫn đúng. Giả sử M tăng gấp đôi thành M', chúng ta sẽ có một identity mới là P'=v'M'/Y' và không thể biết liệu P' có bằng 2 lần P hay không nếu không có thêm một vài giả định hoặc lý thuyết bên ngoài.

Về mặt toán bạn có thể biểu diễn mối quan hệ này như sau: dP/dM = v/Y + M/Y*dv/dM + v/Y^2*dY/dM. Trường phái monetarism cho rằng dv/dM=0 và dY/dM=0, do đó có thể biểu diễn relationship giữa P và M thành P=c*M, trong đó c là một hằng số. Chỉ khi có một relationship như vậy, đại diện cho một lý thuyết cụ thể, bạn mới có thể phân tích về quan hệ giữa cung tiền và lạm phát chứ identity ban đầu không cho phép làm như vậy. Tất nhiên bạn có thể/có quyền nghi ngờ tính đúng đắn của một relationship/lý thuyết cụ thể nhưng identity thì luôn đúng.


S = I

Đây cũng là một identity khá nổi tiếng và nhiều người trong đó có Eugene Fama, người vừa được giải Nobel kinh tế năm nay, đã vận dụng sai. Lập luận thường thấy trong trường hợp này là saving S theo định nghĩa bao gồm private saving cộng government saving (S = S_p + S_g). Bởi vậy nếu government tăng chi tiêu, nghĩa là giảm government saving, thì tổng S sẽ giảm làm cho I giảm theo (ở đây giả định nền kinh tế đóng). Có thể biểu diễn lập luận này một cách formal như sau:

I = S = S_p + S_g(G), trong đó S_g(G) là một hàm số của government spending (G). Lấy đạo hàm 2 vế dI/dG = dS_p/dG + dS_g/dG. Như vậy quan điểm chi tiêu chính phủ sẽ crowd out đầu tư tư nhân cần thêm 2 giả định: dS_p/dG=0 và dS_g/dG<0. Lúc đó chúng ta sẽ có relationship dI/dG<0 khác với identity ban đầu. Lưu ý rằng relationship/lý thuyết government spending luôn crowd out đầu tư tư nhân (dI/dG<0) có thể đúng, có thể sai chứ không phải luôn luôn đúng như Fama và nhiều người nhầm tưởng.


Y = C + I + G + X - M

Đây là một accounting identity điển hình, trên thực tế là định nghĩa của GDP. Identity này luôn luôn đúng, nghĩa là GDP luôn luôn bằng tổng của các cấu thành của nó (tiêu dùng cuối cùng C, đầu tư I, tiêu dùng của chính phủ G, và thặng dư mậu dịch X - M). Một trong những lỗi mà một số người mắc phải là sử dụng identity này để cổ suý cho chính sách kích cầu. Nếu bạn nhầm tưởng đây là một relationship thì bạn sẽ lập luận rằng kích cầu sẽ làm C tăng và do vậy kéo theo Y tăng. Như đã nói bên trên giả sử C tăng lên C', thì bạn sẽ có một identity khác là Y' = C' + I' + G' + X' - M' và không có gì đảm bảo Y' > Y. Bạn cần phải có một lý thuyết/relationship, ví dụ Keynesian theory, khác với identity này thì mới đủ để bảo vệ quan điểm của bạn. [Ví dụ Keynesian multiplier cho rằng Y = m*G, trong đó m > 1. Do đó nếu tăng G thì Y sẽ tăng nhanh hơn.]

Một hiểu nhầm tương tự khác liên quan đến identity này là nếu thâm hụt thương mại (M - X) giảm thì GDP sẽ tăng. Trong trường hợp VN mấy năm trước có thâm hụt thương mại xấp xỉ 10% GDP, hiện nay cán cân này đã gần bằng không do đó GDP phải tăng thêm 10%. Nếu bạn đã hiểu những gì tôi viết bên trên thì sẽ thấy lập luận này sai ở chỗ nó tách rời việc cán cân thương mại tăng từ -10% GDP về 0% với các thành phần khác của GDP (C, I, G). Một ví dụ đơn giản nhất để thấy lập luận như vậy sai là giả sử toàn bộ phần thâm hụt thương mại trước đây là máy móc thiết bị nhập về cho đầu tư (I), nay VN không nhập chúng về nữa (nên cán cân thương mại bằng 0) thì I cũng sẽ giảm tương ứng dẫn đến Y không thay đổi.

Trên thực tế mối quan hệ giữa GDP và cán cân thương mại thường nghịch đảo, nghĩa là khi GDP tăng trưởng cao thì có thâm hụt mậu dịch cao, ngược lại khi kinh tế suy thoái thì thâm hụt giảm, thậm chí có thể trở thành thặng dư. Bởi vậy việc cán cân thương mại của VN cải thiện trong thời gian qua chưa chắc là dấu hiệu tốt, cần phải đánh giá từng cấu thành của nó và phân tích các nguyên nhân thay đổi trước khi hoan hỉ cho rằng hàng VN đã cạnh tranh được với thế giới. Rất có thể cán cân thương mại giảm thâm hụt là dấu hiệu cho thấy kinh tế đang suy thoái.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tránh được những nhầm lẫn tương tự trong tương lai, nhưng nếu có nhầm thì đừng quá thất vọng vì ngay cả Eugene Fama cũng đã có lần lập luận sai như bạn, và như tôi :-)



7 comments:

  1. cái hồi còn năm nhất, năm 2 em cũng cứ khẳng định rằng tăng cung tiền thì lạm phát sẽ tăng nhưng rồi trong thời gian gần đây mới biết được rằng, tăng cung tiền song song với tăng tài sản, của cải trong nước thì sẽ không tăng lạm phát. điều đó phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả đầu tư và nhất là đầu tư công đối với Việt Nam hiện nay.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn anh Giang bài viết rất hay. Giá như các thầy cô cứ giảng như thế này thì sinh viên hay người nghiên cứu sẽ ít khi mắc phải sai lầm, cũng như có một cái nhìn tổng quát hơn rất nhiều.

    ReplyDelete
  3. Ôi chết! Thế mà trước đây, e cứ hùng hồn khẳng định lập luận thặng dư, thâm hụt thương mại, JDP...! Đọc bài này của a xong, hóa ra, e toàn "chém" sai! :-)

    Cảm ơn Anh!

    ReplyDelete
  4. Giải thích của bác Giang rất rõ, tôi xin cụ thể thêm 1 chút. Hai loại nhận dạng trên tôi gọi là phương trình hành vi và phương trình kế toán.
    Phương trình hành vi dùng để xác định quan hệ giữa một hiện tượng kinh tế với các hiện tượng kinh tế khác, trong đó các hiện tượng kinh tế khác có tác dụng giải thích nguyên nhân, nguồn gốc của hiện tượng kinh tế đó.
    Các phương trình hành vi chỉ cho quan hệ giữa các biến, nhưng chưa đảm bảo tính cân đối, khớp nhau của các biến trong 1 mô hình tổng thể gồm nhiều phương trình. Do đó phải bổ sung các quan hệ kế toán giữa các biến. Vì đây là những phương trình kế toán nên không phải ước lượng.
    Phân biệt một số loại phương trình kế toán:
    + Khi cần đảm bảo sự khớp nhau giữa một số chỉ tiêu, ví dụ tổng của tiêu dùng và tiết kiệm của khu vực tư nhân phải bằng với tổng thu nhập của khu vực này sau khi đã đóng thuế. Khi đó ít nhất 1 trong 3 biến này phải được xác định từ 2 biến kia thông qua 1 phương trình kế toán.
    + Khi cần lập ra một số biến trung gian cho phép đơn giản hoá các công thức tính toán. ví dụ công thức xác định tỷ lệ tăng trưởng GDP, tiền lương... rất phức tạp, nếu để nguyên mà đưa vào các phương trình khác thì rất rườm rà. Trong trường hợp này, cần xem chúng là một chỉ tiêu kinh tế và dùng các phương trình kế toán để xác định chúng.
    + Có một số biến được định nghĩa, xác định bằng phương trình kế toán, song thực chất chỉ là phương trình mô tả cách tính chúng. Ví dụ tỷ lệ tăng trưởng GDP, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP... Tuy nhiên, có một số phương trình kế toán nhưng lại mang bản chất của lý thuyết kinh tế; ví dụ phương trình cân đối cung cầu: cân đối sử dụng GDP, cân đối tài chính, cân đối giá cả và tiền tệ, cân đối thương mại (bác Giang nêu trên).
    Xem chi tiết ở đây:
    http://toithichdoc.blogspot.ch/2011/05/ky-thuat-xay-dung-su-dung-mo-hinh-kinh_08.html

    ReplyDelete
  5. Cám ơn Anh Giang về bài viết. Rất bổ ích.

    Em thắc mắc là trong câu này, "Lấy đạo hàm 2 vế dI/dG = dS_g/dG + dS_g/dG. Như vậy quan điểm chi tiêu chính phủ sẽ crowd out đầu tư tư nhân cần thêm 2 giả định: dS_g/dG=0 và dS_g/dG<0" có phải anh muốn viết "dl/dG = dS_p/dG + dS_g/dG" và "...thêm hai giả định: dS_p/dG = 0 và dS_g/dG < 0" hay là em nhầm lẫn một chút gì ở đây?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn, tôi gõ nhầm. Tôi đã sửa lại bên trên.

      Delete
  6. Anh Giang thân mến,

    Cảm ơn anh đã viết bài này. Rất thú vị, em có thêm một số ý như sau.

    PY = vM

    Xét về mặt toán học, em đồng ý với lập luận của anh, tuy nhiên trong kinh tế đây là một shortcut, đặc biệt khi đề cập đến short term. Khi đưa Y qua vế phải, trong short term (giả sử 1 tháng), thì Y được giả định không thay đổi, hoặc ít biến đổi vì ít có khả năng tăng sản lượng nhanh trong 1 tháng, tương tự cho v. Tức là với chừng đó ngân hàng, số lượng sản phẩm đang có, thì lập luận tăng M 2 lần thì tăng P ~2 lần trong trường hợp này hợp lý. Em nghĩ cốt lõi của vấn đề đó là những assumption khi đưa ra lập luận trên, chứ không hẳn nằm ở tính tuyệt đối của một phương trình. Cách anh đưa ra các định nghĩa identity hay relationship cũng đều dựa vào các assumption.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.