Sunday, March 25, 2012

Interest rate vs yield



Với các công cụ nợ ngắn hạn, người cho vay thường được hưởng lãi (interest) một lần. Tiền lãi có thể được trừ (chiết khấu) khỏi tổng số tiền cho vay tại thời điểm bắt đầu hoặc cộng thêm vào thời điểm kết thúc. Dù hình thức thanh toán thế nào đi nữa, tỷ lệ lãi suất (interest rate) trên tổng số tiền cho vay phải được thỏa thuận và cố định ở thời điểm công cụ nợ bắt đầu có hiệu lực.

Với trái phiếu, thường có thời hạn dài hơn hai năm, tiền lãi được trả định kỳ theo một tỷ lệ cố định thỏa thuận ở thời điểm phát hành(*). Số lãi này có thể trả hàng năm (như trái phiếu chính phủ Đức) hay hai lần một năm (trái phiếu chính phủ Mỹ, Anh, Nhật, Úc). Trong quá khứ trái phiếu thường được phát hành dưới dạng một tờ chứng chỉ đính kèm một số tem đúng bằng số lần trả lãi định kỳ. Mỗi lần chủ của tờ trái phiếu đến lĩnh tiền lãi, nhà phát hành sẽ cắt một tờ tem khỏi cuống trái phiếu để xác nhận đã thanh toán lần trả lãi đó. Trong tiếng Anh tờ tem này gọi là coupon nên mặc dù hiện giờ trái phiếu đã được điện tử hóa hoàn toàn người ta vẫn dùng thuật ngữ này để chỉ lãi (suất) định kỳ của một loại trái phiếu.

Vì trái phiếu có thể mua bán trên thị trường nên giá của nó thay đổi theo cung cầu hàng ngày chứ không nhất thiết bằng đúng với mệnh giá. Bởi vậy tỷ lệ sinh lợi của một loại trái phiếu cũng thay đổi chứ không cố định như lãi suất định kỳ (coupon) được ấn định ở thời điểm phát hành. Thực tế trong các giao dịch trên thị trường quốc tế người ta chỉ quan tâm đến giá chứ ít ai quan tâm đến lãi suất định kỳ. Tuy nhiên để tiện so sánh mức độ sinh lời của các loại trái phiếu có lãi suất định kỳ và thời gian đáo hạn khác nhau, người ta sử dụng một con số qui ước gọi là lợi suất (yield) cho mỗi loại trái phiếu.

Về mặt kỹ thuật lợi suất được tính bằng cách xác định tỷ lệ hoàn vốn nội tại (internal rate of return) của dòng tiền (cashflow) do trái phiếu đem lại. Lợi suất càng cao thì giá giao dịch trái phiếu càng rẻ, nghĩa là càng có lợi cho người mua trái phiếu hay người cho vay tiền. Nhưng việc lời lỗ trong kinh doanh trái phiếu trên thị trường thứ cấp không ảnh hưởng gì đến nhà phát hành trái phiếu. Dù lợi suất trái phiếu có tăng hay giảm thì người phát hành vẫn phải trả một khoản tiền lãi định kỳ cố định (coupon) vào một thời điểm nhất định trong năm cho đến khi đáo hạn.

Mặc dù báo chí và giới học thuật nhắc nhiều đến khái niệm lợi suất, cần lưu ý đây chỉ là một qui ước thị trường để tiện so sánh, khi mua bán trái phiếu người ta phải qui đổi ra giá giao dịch chứ không dùng lợi suất. Tuy nhiên giá mà các công ty chứng khoán chào hoặc được niêm yết trên các sàn giao dịch chưa phải là giá cuối cùng bên mua phải thanh toán. Giá niêm yết thường được gọi là giá sạch (clean price) nghĩa là giá chưa tính đến phần tiền lãi định kỳ tích lũy kể từ lần thanh toán gần nhất. Thị trường trái phiếu niêm yết giá sạch để tránh tình trạng giá bị giảm đột biến sau khi lãi suất định kỳ được chi trả cho chủ sở hữu trái phiếu hiện tại. Sau khi đã thỏa thuận mua bán, người mua sẽ phải thanh toán theo giá toàn phần (full price/dirty price) bằng giá sạch cộng với phần lãi suất tích lũy.


(Ghi chú: (*) có một số loại trái phiếu không cố định lãi suất định kỳ mà cho phép thay đổi tùy theo tình hình thị trường.)




23 comments:

  1. Chú Giang cho cháu hỏi chú một câu hỏi ngoài lề 1 tí. Cách đây vài ngày, NHNN vừa ban hành thông tư 7 về việc co trạng thái ngoại tệ Cháu lên mạng tìm hiểu thì không thấy nhiều bài viết nói về trạng thái ngoại tệ (TTNT) và tác động của việc thay đổi TTNT, chú có thể giải thích giúp cháu không ạ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đây là định nghĩa TTNT trong thông tư bạn nói đến: "Trạng thái nguyên tệ của một ngoại tệ là chênh lệch giữa tổng Tài sản Có và tổng Tài sản Nợ bằng ngoại tệ này, bao gồm cả các cam kết ngoại bảng tương ứng."

      Thông tư này giảm TTNT/vốn tự có xuống +/-20%, nghĩa là các ngân hàng không được long/short một lượng ngoại tệ lớn hơn giới hạn đó. Điều này buộc các ngân hàng phải bán ngoại tệ dư thừa cho NHNN hoặc phải mua ngoại tệ của NHNN nếu họ short quá giới hạn. Đây là cách để NHNN chống lại hiện tượng các NHTM speculate ngoại tệ (găm giữ hoặt bán tống tháo). Các ngân hàng cũng khó khăn hơn trong việc huy động và cho vay ngoại tệ. Tóm lại đây là một biện pháp chống lại dollarization.

      Delete
  2. http://www.bloomberg.com/markets/rates-bonds/key-rates/
    http://www.bloomberg.com/markets/rates-bonds/government-bonds/us/
    http://www.bloomberg.com/markets/rates-bonds/corporate-bonds/
    3 loại trái phiếu trên cháu thấy khó hiểu. bác giải thích rõ giúp cháu ạ.
    Cảm ơn bác nhiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. key rate không phải là bond mà là các loại lãi suất quan trọng trên thị trường.

      government bonds là trái phiếu do chính phủ phát hành

      corporate bond là do doanh nghiệp phát hành

      Delete
  3. @anh Giang:

    Em nghĩ anh Giang nên cho những ví dụ cụ thể với những loại trái phiếu phổ biến và những con số cụ thể. Bởi lẽ thị trường bonds vốn rất xa lạ với người VN nói chung. Bằng những dẫn chứng trực quan mọi người trong đó có cả em sẽ dễ theo dõi và nắm bắt nội dung hơn rất nhiều.

    Chẳng hạn anh diễn giải một giao dịch trái phiếu trên thị trường Mỹ với tất cả nội dung liên quan sẽ dễ hình dung hơn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mấy entry này tôi chỉ định bổ sung một số kiến thức sách vở ít khi nhắc đến thôi chứ chưa có ý định viết một series giới thiệu về bond. Khi nào có thời gian tôi sẽ làm theo gợi ý của bạn.

      Delete
  4. Cho cháu hỏi một xíu nha, cháu đang nghiên cứu về khủng hoảng tài chính. Trong đó có liên quan đến "this time is different" và tác giả giải thích nó có liên quan đến mô hình multiple equilibria. Trong một số bài trước, cháu thấy các bài trước bác có đề cập đến từ này. Bác ơi, dịch từ này sang Việt Nam như thế nào và mô hình này muốn nói gì vậy bác. Cháu cảm ơn bác trước!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu bạn đã đọc được This Time is Different thì không cần dịch multiple equilibria sang tiếng Việt làm gì.

      Delete
  5. "Thị trường trái phiếu niêm yết giá sạch để tránh tình trạng giá bị giảm đột biến sau khi lãi suất định kỳ được chi trả cho chủ sở hữu trái phiếu hiện tại".
    Chú ơi câu này đã giúp cháu giải đáp thắc mắc về việc tại sao cứ phải niêm yết giá mà interest là Flat hay Plus Accrued. Nhưng ở câu này hình như chú có nhầm ở chỗ: đáng lẽ phải là lãi định kỳ được chi trả chứ không phải là lãi suất :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn, tôi viết nhầm chỗ này (tôi rất hay nhầm tiền lãi và lãi suất).

      Delete
  6. thầy ơi, em làm luận văn, mà còn thiếu dữ liệu lãi suất tín phiếu kho bạc theo quý năm 2010 và 2011. em có tìm trên ifs rồi mà không đủ. thầy có thể giúp em không.

    ReplyDelete
  7. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  8. Chào chú, hiện tại cháu đang nghiên cứu về dự đoán tỷ suất sinh lời của danh mục có làm gia tăng nhu cầu chứng khoản của nhà đầu tư hay không? Trong quá trình nghiên cứu, cháu có một số vấn đề thắc mắc muốn hỏi là lợi suất trái phiếu và tỷ suất sinh lời trái phiếu có khác nhau như thế nào ạ! Và nếu khác thì khác ở điểm nào! Cháu cảm ơn chú.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi nghĩ cả hai thuật ngữ đó đều dịch từ bond yield, nghĩa là cùng một ý nghĩa.

      Delete
  9. Cháu cảm ơn chú, Cháu đang nghiên cứu liên quan đến tỷ suất sinh lời vượt trội cổ phiếu. Nhưng gặp vấn đề là lựa chọn lãi suất phi rủi ro ở thị trường Việt Nam, cháu đã cập nhập tỷ suất sinh lợi của tín phiếu 28 ngày và 91 ngày, tuy nhiên dữ liệu chỉ có từ tháng 3 năm 2012. Trong datastream của reuters cũng có đề cập vấn đề lựa chọn lãi suất phi rủi ro : lãi suât tín phiếu 3 tháng, lãi suất liên ngân hàng,lãi suất repo, lãi suất qua đêm... Nếu cháu dùng dữ liệu lợi suất tín phiếu thì buộc phải chế dữ liệu.Chú có thể cho cháu lời khuyên được không ak!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn có thể tính risk premium cho chuỗi số liệu nào đó bạn định sử dụng dựa vào yield của tín phiếu từ 3/2012. Sau đó hiệu chỉnh premium này cho phần số liệu trước năm 2012 và giải thích rõ cách tính trong bài của bạn.

      Delete
  10. Chào chú Giang
    Chau đang là sinh viên và đang học môn Quản trị vốn (Asset and Liabilities Management). Chú có thể giới thiệu cho cháu một vài nguồn tài liệu trên mạng về môn này được không ah? Cháu cảm ơn chú nhiều!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi không chuyên về lĩnh vực này nên không giúp bạn được.

      Delete
  11. Chao chu, hien chau dag theo hoc hoc Bachelor of Finance o Uc. Chau hoang hot nhan ra la tat ca khai niem chau duoc hoc, chau khong the truyen dat lai bang Tieng Viet. Nho website cua chu ma chau hieu them nhieu. Chu co the gioi thieu cho chau tai lieu ve tai chinh dang tin bang tieng Viet ko a

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn chịu khó đọc báo chí tiếng Việt liên quan đến tài chính như TBKTSG, VNEconomy, CafeF...

      Delete
  12. Bác Giang ơi, Lãi suất hiệu dụng là gì ạ. Cháu chưa nghe nói đến bao giờ, chỉ nghe đến ls danh nghĩa, ls tỷ lệ và ls tương đương thôi ạ :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc là effective interest rate, nghĩa là lãi suất mà bạn thực sự nhận được. Ví dụ nếu ngân hàng chào lãi suất 10%/năm nhưng cho nhận lãi suất trước thì effective interest rate là 11.11%.

      Delete
  13. Chào thầy Giang,
    Em có dự định nghiên cứu về 'mối quan hệ giữa lãi suất tái cấp vốn và lãi suất thị trường'& thuế tác động đến cấu trúc rủi ro của lãi suất... thầy có thể giới thiệu giúp em một số tài liệu uy tín và paper research có liên quan đến vấn đề nghiên cứu này. Trong đó có bao gồm một số empirical evidence tại các nước phát triển.

    Em cảm ơn thầy
    P/S: nếu được, kính nhờ thầy gửi mail tài liệu giúp em vào địa chỉ mail
    chung.nguyenhoang68@gmail.com

    Trân trọng.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.