Saturday, February 28, 2009

2008 revisited


Tuần vừa rồi tôi bận viết một bài tổng quan kinh tế thế giới năm 2008 cho CERP nên không có thời gian blogging. Dưới đây là phần mở đầu bài viết này. Có lẽ phải gò bó trong khuôn khổ academic nên bài viêt "khô khan" hơn entry này viết ngày 31/12/ 2008.


Khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới 2008

Trong gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1999 kinh tế thế giới đã phát triển quá nóng, tạo ra bong bóng giá bất động sản và chứng khoán trên nhiều quốc gia. Đáng tiếc là hầu hết các ngân hàng trung ương đã không thắt chặt chính sách tiền tệ kịp thời và đủ mạnh đề giảm nhiệt tốc độ tăng trưởng và xì hơi các bong bóng giá này. Nghiêm trọng hơn, do đồng đô-la Mỹ được ngầm định là đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế, Mỹ đã trở thành nơi thu hút dòng vốn thặng dư mậu dịch của rất nhiều nước, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Trung quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Điều này không những gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trong cán cân mậu dịch của Mỹ mà còn làm phình to thêm các bong bóng giá bất động sản và chứng khoán ở đây. Việc cắt giảm nhiều qui định quản lý hệ thống tài chính của Mỹ dưới thời Alan Greenspan và sự bùng phát các công cụ tài chính mới cũng một phần kích thích các bong bóng này.

Tháng 8/2007 bong bóng cho vay bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ bùng nổ. Chỉ trong hai tháng sau đó, bắt chấp nỗ lực của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu, cuộc khủng hoảng cho vay địa ốc dưới chuẩn đã làm suy sụp niềm tin của hệ thống tài chính ở các nước này dẫn đến một cuộc tháo chạy khỏi các khoản mục đầu tư bị cho là có rủi ro. Vì các tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu đã có tỷ lệ leverage rất cao trong những năm trước đó, họ bắt đầu một cuộc deleveraging balance sheets của mình, bán tháo hoặc ngưng rollover các tài sản tài chính nhằm nâng tỷ lệ capital/asset ratio lên để chuẩn bị đối phó với cơn bão thua lỗ sẽ tràn đến trong năm 2008.

Một hậu quả ngoài dự tính của các nỗ lực deleveraging cuối năm 2007 và sự hoảng loạn sau khi bong bóng bùng nổ là thanh khoản trong hệ thống tài chính suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng đóng băng trên thị trường của hầu hết các công cụ tài chính. Điều này tiếp tục làm giảm giá các loại chứng khoán, nhất là những sản phẩm dẫn xuất liên quan đến địa ốc, tạo ra một vòng lặp (feedback loop) quay lại làm balance sheets của các tổ chức tài chính tiếp tục xấu đi. Hàng loạt ngân hàng nhanh chóng rơi từ tình trạng khó khăn thanh khoản sang nguy cơ phá sản vì vốn tự có không còn đủ để bù đắp các khoản lỗ phát sinh từ bất động sản và các loại tài sản khác.

Một hậu quả ngoài dự tính nữa là một phần lượng thanh khoản được nhiều nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường địa ốc cuối năm 2007 và đầu năm 2008 đã chuyển sang đầu cơ các loại nguyên liệu thô và dầu mỏ với hi vọng các loại hàng hóa này sẽ lên giá. Những hoạt động đầu cơ này dựa vào tính toán Trung quốc và các nền kinh tế mới nổi sẽ không bị suy yếu vì cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu (decoupling theory). Hơn nữa chính phủ Mỹ đã đưa ra một gói kích cầu trị giá 168 tỷ đô-la Mỹ vào đầu năm 2008, một cố gắng ngăn chặn không để khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến nền kinh tế thực. Chỉ trong vòng 12 tháng từ giữa năm 2007, giá dầu mỏ và nhiều loại kim loại đã tăng hơn gấp đôi. Một cuộc khủng hoảng giá lương thực nhỏ đã bùng phát khi một lượng lớn ngũ cốc bị các nhà sản xuất nguyên liệu thực vật đặt mua để đối phó với giá dầu tăng cao.

Cú sốc giá dầu và các loại nguyên liệu thô đã phá vỡ mọi hi vọng kinh tế thế giới sẽ vượt qua cơn khủng hoảng tài chính mà không rơi vào suy thoái. Từ cuối tháng 7/2008 cho đến khi Lehman Brothers phá sản vào trung tuần tháng 9/2008, hoạt động deleveraging tăng lên đỉnh điểm kéo theo sự sụp đổ của hầu hết các đồng tiền mạnh trên thế giới, đặc biệt là các đồng tiền hàng hóa (commodity currencies). Đồng đô-la Mỹ lên giá đã nhanh chóng triệt tiêu những cải thiện về cán cân thương mại của Mỹ trước đó, đồng thời kéo theo cả đồng Yen Nhật và Reminbi Trung quốc tăng giá làm xuất khẩu của hai nước này bắt đầu sụt giảm.

Sự kiện Lehman Brothers phá sản và các hệ lụy của nó đã chính thức đẩy nền kinh tế Mỹ và toàn thế giới rơi vào suy thoái. Không chỉ các nước phát triển mà nhiều nền kinh tế mới nổi cũng rơi vào khủng hoảng. Toàn bộ hệ thống ngân hàng của Iceland phá sản, Ireland, Hungary, Ukraine, Korea, Singapore và nhiều nước khác đã phải đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp để cứu nguy nền kinh tế của mình. Các nước trong khối BRIC, mà điển hình là Trung quốc, thành trì cuối cùng của kinh tế thế giới, đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2008 và buộc phải tuyên bố một gói kích cầu rất tham vọng.

Lần đầu tiên một loạt các ngân hàng trung ương lớn đã đồng loạt cắt lãi suất. Nhiều chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các gói kích cầu. Đã có những kêu gọi về một tổ chức tài chính quốc tế mới với tham vọng như một Bretton Woods thứ hai. Cho đến cuối năm 2008 không còn ai phủ nhận nguy cơ kinh tế thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933. Bài viết này sẽ lược thuật những sự kiện kinh tế quốc tế quan trọng trong năm 2008, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ rồi đến khủng hoảng thanh khoản, ngân hàng, dầu mỏ, và cuối cùng là suy thoái kinh tế toàn cầu.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.