Thursday, November 27, 2008

Demand stimulus


Tôi vẫn ngưỡng mộ TS Lê Đăng Doanh, một trong một số ít các nhà kinh tế giỏi nhất của VN hiện tại. Tuy nhiên ý kiến của ông trong bài phỏng vấn hôm qua trên báo Tuổi trẻ tôi thấy có một số điểm cần làm rõ.

Ngay từ đầu TS Doanh đã đề nghị cần "kích cầu" cho nền kinh tế vì tăng trưởng đang đi xuống và sản xuất ảm đạm. Đáng tiếc là đọc cả bài phỏng vấn không thấy TS Doanh cho biết những biện pháp cụ thể nào cần thực hiện để "kích cầu". Dường như ông và người phỏng vấn ngầm định với nhau "kích cầu" là fiscal stimulus thông qua:

1- trợ giúp sản xuất thông qua subsidy cho đầu tư và các nguyên vật liệu đầu vào,
2- xóa nợ và khôi phục tín dụng,
3- xây dựng cơ bản (tôi không rõ cái này khác với infrastructure như thế nào),
4- trợ giúp xuất khẩu,
5- giảm hoặc miễn thuế,
6- xây dựng hệ thống an sinh xã hội,

Trước khi bàn về 6 điểm trên, xin được nhắc lại một số kiến thức macro cơ bản. Tổng cầu (aggregate demand) về nguyên tắc được xác định bởi AD = C + I + G + (X - M). Nếu bạn tin vào trường phái Keynesian thì có hai cách để kích thích tổng cầu là monetary easing hoặc fiscal stimulus, hoặc kết hợp cả hai biện pháp đó. Cho đến nay hầu hết các nước trên thế giới đều đã thực hiện monetary easing (cắt giảm lãi suất và reserve requirement) và đang bắt đầu triển khai fiscal stimulus.

Monetary easing chủ yếu nhắm đến C và I trong công thức nói trên. Nếu tỷ giá được phép adjust thì thông thường đồng nội tệ sẽ mất giá so với các đồng tiền khác và sẽ là một nguồn kích thích với X đồng thời hạn chế M. Về nguyên tắc G không bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ, nhưng đặc thù nền kinh tế VN có tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp của nhà nước rất lớn nên sự phân biệt giữa G và I của các SOEs không rõ ràng. Do vậy monetary easing có thể làm ảnh hưởng đến G. Cho đến thời điểm này NHNN VN đã cắt lãi suất 3 lần từ đỉnh nhưng vẫn còn khá thận trọng trong việc tiếp tục easing, cụ thể là vẫn chưa có động thái gì về trần tín dụng 15% cho các tổ chức tín dụng.

Fiscal stimulus chủ yếu nhắm đến C và G. C có thể được kích thích thông qua giảm thuế và tăng trợ cấp xã hội, nói nôm na là chính phủ phát tiền cho dân (Đài loan đã làm đúng theo nghĩa đen của hình thức này). Một số nước có các chính sách forced saving như Singapore, Malaysia có thể giảm tỷ lệ forced saving như là một hình thức giảm thuế.

G có thể được gia tăng bằng cách chính phủ tăng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng (như China mới tuyên bố), tăng các khoản chi tiêu thường xuyên từ ngân sách (tăng lương cán bộ, công chức), tăng việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho các cơ quan chính quyền (mua sắm trang bị cho quân đội, giáo dục, y tế). Tóm lại là tăng tất cả những gì có thể tăng được trong ngân sách hàng năm của chính phủ.

Tuy nhiên không phải tất cả các khoản chi từ ngân sách đều là "kích cầu", ví dụ mục 2 của TS Lê Đăng Doanh. Nếu trước kia chính phủ cho ngư dân vay tiền từ ngân sách để đóng tàu đánh bắt xa bờ, bây giờ chính phủ quyết định xóa nợ cho những ngư dân đó thì điều này phải ghi vào sổ sách kế toán của bộ Tài chính như là một khoản chi. Nhưng trên thực tế người ngư dân không nhận được đồng nào và kết quả của chính sách này không làm tăng aggregate demand (ngoại trừ một khả năng rất nhỏ là ngư dân sẽ tăng C vì không phải trả nợ nhà nước nữa).

Một ví dụ khác là TARP của bộ Tài chính Mỹ. Số tiền $700b mà chính phủ Mỹ phải chi ra để giải cứu cho hệ thống tài chính cũng không có tác dụng kích cầu, ít nhất là trục tiếp. Chương trình cứu trợ này về lý thuyết còn có thể làm giảm C và G vì người dân sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn để đóng thêm thuế trong tương lai còn chính phủ phải giảm G vì budget bị crowd out.

Quay lại bài phỏng vấn của TS Lê Đăng Doanh, rõ ràng mục 3, 5, 6 là các biện pháp cổ điển của fiscal stimulus. Cũng cần nói thêm là thuế thu nhập cá nhân chưa được triển khai ở VN nên mục 5 sẽ có nhiều hạn chế. Nên lưu ý là giảm các loại thuế và phí cho doanh nghiệp chỉ có tác động gián tiếp lên C thông qua higher income, còn tác động trực tiếp sẽ là tăng aggregate supply. Mục 1 và 4 cũng vậy (tăng supply chứ không phải tăng demand), riêng mục 4 nếu tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phát triển thị trường thì đó là tăng demand. Tuy nhiên trong tình hình export demand sụt giảm do kinh tế thế giới suy thoái, có lẽ trợ giúp xuất khẩu sẽ không hiệu quả về mặt tăng trưởng.

Tóm lại trong các đề suất của TS Doanh chỉ có mục 3 và 6 là thực sự có tác động trực tiếp đến aggregate demand. Mục 6 là một điều đúng đắn và cần phải làm, ngay cả khi không có nhu cầu kích cầu. Tuy nhiên triển khai một hệ thống an sinh xã hội là một việc rất phức tạp và mất thời gian. Có thể trước mắt cần tập trung cải tổ và bành trướng các hệ thống an sinh xã hội hiện có, ví dụ phát miễn phí bảo hiểm y tế cho người nghèo hay nông dân ở các vùng bị thiên tai.

Một ý tưởng rất hay của Thomas Cooley (NYU) mà VN có thể học hỏi là tăng đầu tư vào giáo dục trong hoàn cảnh kinh tế bị suy thoái. Ngân sách sẽ chi một khoản tiền lớn nâng cấp các cơ sở vật chất của ngành giáo dục, tăng lương cho giáo viên, tăng học bổng cho sinh viên đồng thời trả một phần học phí cho sinh viên, trợ giúp tiền mua sách vở và các phương tiện học tập cho học sinh. Một điểm Cooley nhấn mạnh là phải đầu tư nhiều vào năng lực của hệ thống nhà trẻ/mẫu giáo để giúp trẻ em phát triển tốt trong giai đoạn trước khi đến trường. Điều này có lẽ rất khác với ý tưởng của VN tập trung nguồn lực xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế (top 200). Dù sao đầu tư cho giáo dục luôn là cách thức đầu tư khô ngoan cho cả cá nhân và xã hội.

Trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, tôi đồng ý với TS Lê Đăng Doanh kích cầu là cần thiết. Tuy nhiên cần thận trọng khi đề suất và thực thi các biện pháp có tính chất kích thích aggragate supply. Nếu thế giới tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng trong năm 2009, việc đầu tư ồ ạt có thể tạo ra excess capacity trong thời gian tới, vừa phí phạm nguồn lực của xã hội vừa gây ra nguy cơ deflation. Thế giới đã và đang phải sử dụng những biện phát unorthodox để cứu vãn kinh tế, liệu các nhà hoạch định chính sách VN cũng như các chuyên gia kinh tế VN có đưa ra được những đột phá về mặt chính sách hay không?


Update (3/12): Chính phủ VN vừa tuyên bố một fiscal package trị giá $1b để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Chi tiết cụ thể chưa được công bố nhưng có vẻ như package này sẽ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người thu nhập thấp, bảo hiểm thất nghiệp, mua dự trữ lương thực. Bên cạnh đó chính phủ sẽ dời thời gian thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên giá điện và than sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình định trước.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.